Nhớ cụ Võ Chí Công

ANTĐ - Sau một thời gian lâm bệnh nặng, sáng 8-9, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã từ trần tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM). Tác giả bài viết ghi lại những dòng dưới đây như nén tâm nhang nhớ về cụ

Hồi cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi về quê viết cuốn Địa chí Đại Lộc. Lúc này, Đảng bộ và chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam làm Đền tưởng niệm những tiền bối có công và các anh hùng liệt sĩ trên đồi Trường An. Việc làm này được nhân dân địa phương ủng hộ.

Người con của quê hương

Một lần, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công về thăm quê. Nghe anh Nguyễn Hữu Mai (lúc ấy là Bí thư Huyện ủy) báo cáo việc xây dựng đền tưởng niệm, cụ phấn khởi lắm và đánh giá là rất sáng tạo. Theo Chủ tịch, từ khi vùng đất sính lễ của công chúa Huyền Trân về Đại Việt, đã có biết bao thế hệ đổ công sức, mồ hôi, kể cả máu và nước mắt để làm tiền đề đoàn kết giữ xóm, giữ làng hòa cùng khí thế chống xâm lăng của nhân dân cả nước viết nên những trang vàng lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sau đó, nghe đâu qua tác động của cụ, các ngành chức năng đã ủng hộ thêm kinh phí để huyện Đại Lộc hoàn thành công trình này đúng thời hạn. Từ đây, tôi biết cụ có gốc rễ ở Đại Lộc. Hiện nay, mồ mả ông bà cũng như nhà thờ tộc Võ của cụ ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc được lớp con cháu chăm sóc, hương khói.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và chúc Tết nguyên
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào đầu năm 2009. Ảnh: TTXVN

Nghe đâu, thời ông nội của cụ, vì cuộc sống khó khăn, sưu cao thuế nặng, nên vào miệt Tam Xuân (nay thuộc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khai cơ lập nghiệp, nhưng không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nên thời nào con cháu cũng về hương khói tiền nhân. Do vậy, cụ nói với anh chị em ở Hội trường Huyện ủy huyện Đại Lộc hôm ấy là cụ về Đại Lộc như người con về thăm nhà, đừng nên bày vẽ rườm rà.

Cụ nói giọng Quảng Nam đặc sệt, có những từ dùng mà phải qua một thoáng, tôi mới nhớ mình đã từng nghe từ thuở thiếu thời. Khi biết tôi viết báo ở TPHCM về giúp huyện biên soạn cuốn Địa chí Đại Lộc, cụ nở nụ cười hiền và qua vài ba câu gợi hỏi, cụ nói vui: “Thèn ni không lai” (thằng này không lai), nghĩa là tôi cũng nói giọng Quảng Nam “rin”, chứ không pha tiếng như một số người khác.

Giọng Quảng Nam “rin”

Khi cụ nghỉ việc, vào sinh sống tại TPHCM, tôi nhiều lần đi theo đoàn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy TPHCM, nhất là các đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng… đến thăm cụ. Hồi cụ còn tỉnh táo, tôi thường hay nhắc chuyện “Thèn ni không lai” để nhìn nụ cười hiền của cụ.

Cách đây mấy năm, Đảng bộ và chính quyền địa phương xây trên nền nhà cũ của cụ ở làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân một cái nhà, mái lợp ngói âm dương làm nhà lưu niệm. Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Đại Lộc họp bàn nên đóng góp chút gì cho có “chất văn hóa” vào nhà lưu niệm của cụ. Không biết mấy anh bàn sao, anh Nguyễn Văn Ngũ, Bí thư Huyện ủy, điện vào nhờ tôi viết một câu đối. Tôi viện lẽ khó quá, xin từ chối thì anh Ngũ nói rõ có khó mới nhờ đến tôi, chứ dễ thì anh em làm hết rồi. Do đó, tôi phải nghĩ và viết cho ra.

Sau mấy ngày đọc đi đọc lại tiểu sử của cụ, tôi viết nên câu đối, mỗi vế những… 41 từ và fax về. Được các cấp có trách nhiệm thông qua, tôi cặm cụi cả tháng chuyển qua chữ Nôm để chuyển cho thợ khắc gỗ nhưng chiều cao của cây cột nhà lưu niệm có hạn nên đành phải bớt một số chữ. Câu đối hiện đang treo trang trọng trong Nhà Lưu niệm cụ Võ Chí Công, chỉ còn 28 từ cho mỗi vế, như sau:

"Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất rộng trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng;

Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công".

Nay, được tin cụ ra đi, tôi ghi lại những dòng này như nén tâm nhang nhớ về cụ, nhớ về nụ cười hiền của cụ với giọng nói đặc sệt Quảng Nam: “Cái thèn ni!”.