Nhìn lại sức mạnh của tàu sân bay USS Kitty Hawk 82.000 tấn trước khi bị 'rã xác'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tàu sân bay USS Kitty Hawk là một trong những siêu hạm của hải quân Mỹ, với lượng giãn nước lên tới 82.000 tấn, đây là tàu sân bay phi hạt nhân lớn nhất thế giới. 

Lịch sử USS Kitty Hawk gần như song song với hoạt động của những siêu hàng không mẫu hạm cực lớn của hải quân Mỹ suốt từ thập niên 1960. Được sản xuất ở Camden, New Jersey, tàu sân bay này được coi là "siêu hạm" với lượng giãn nước lên tới 82.000 tấn khi bắt đầu hoạt động tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Philadelphia ngày 29/4/1961.

Hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk rời khỏi cảng San Diego lần đầu tiên, thực hiện cuộc triển khai Tây Thái Bình Dương (WESTPAC) năm 1962. Kể từ đó, USS Kitty Hawk và một loạt tàu sân bay khác đã hoàn thành 18 cuộc dàn quân, hỗ trợ các chiến dịch, trong đó có chiến tranh Việt Nam, cuộc khủng hoảng con tin Iraq, chiến dịch Vãn hồi Hy vọng ở Somalia...

USS Kitty Hawk đã trải qua 3 lần đại tu ở Bremerto, Washington vào năm 1977, 1982 và 1998. Tuy nhiên, giai đoạn bảo dưỡng quan trọng nhất lại là chương trình kéo dài hoạt động ở xưởng đóng tàu Hải quân Philadelphia năm 1987. Kết quả của cuộc đại tu kéo dài 4 năm này là tuổi thọ của USS Kitty Hawk tăng từ 30 năm lên 50 năm. Tàu sân bay này đảm bảo tầm bắn, khả năng chịu đựng, tính linh hoạt tiêu chuẩn.

Tàu sân bay USS Kitty Hawk của hải quân Mỹ khi còn hoạt động

Tàu sân bay USS Kitty Hawk của hải quân Mỹ khi còn hoạt động

USS Kitty Hawk là chiếc tàu sân bay chạy năng lượng thông thường cuối cùng phục vụ cùng Hải quân Hoa Kỳ. Nó là chiếc tàu thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này, theo tên thị trấn Kitty Hawk, North Carolina, nơi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay trên máy bay đầu tiên.

USS Kitty Hawk chính thức bị ngừng hoạt động vào năm 2009 và cùng với tàu USS John F. Kennedy bị loại biên vào năm 2017, chúng đã được bán với giá chỉ 1 xu. Việc bán xác tàu với giá 1 xu cho các công ty rã sắt vụn được cho là phương án phù hợp nhất với Hải quân Mỹ, thay vì lực lượng này phải chi ra hàng triệu USD để đưa chúng đến nhà máy rã sắt vụn.