Nhiều trẻ nguy kịch vì bỏng

ANTĐ - Từ giữa tháng 5-2013 đến nay, tại Viện Bỏng Quốc gia cũng như Khoa bỏng của các BV trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện tăng cao. Các bác sĩ cảnh báo, bỏng là một trong những tai nạn phổ biến, thường gặp nhất ở trẻ vào mùa hè, cũng là tai nạn để lại hậu quả rất nghiêm trọng. 

Nhiều trẻ nguy kịch vì bỏng ảnh 1
Bỏng là tai nạn thường gặp nhất ở trẻ trong mùa hè

Muôn vàn nguyên nhân gây bỏng

Từ đầu tháng 6 này, trước khi tiếp nhận cùng lúc 10 bệnh nhân bỏng từ vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) nhập viện, khoa Bỏng – BV Xanh Pôn đã lên phương án chuẩn bị cho tình trạng quá tải có thể xảy ra trong những tháng mùa hè. Thực tế từ cuối tháng 5-2013, lượng bệnh nhân bỏng vào điều trị tại BV Xanh Pôn bắt đầu tăng, trong đó có những ca bỏng được coi là tai nạn điển hình như trường hợp của bệnh nhân Bùi Thị H.Ng., sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, bị bỏng sau tai nạn nổ cồn khi nướng mực. Trong lúc nướng mực, thấy ngọn lửa tắt, Ng. liền đổ cồn vào thì bất ngờ lọ cồn phát ra tiếng nổ lớn, ngọn lửa bùng lên nhanh chóng bén vào người. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng bị bỏng 20% diện rộng, các bác sĩ phải tiến hành mổ, ghép da.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – BV Xanh Pôn cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là số lượng các ca bỏng do cồn lại tăng lên. Điển hình là các vụ bỏng do nướng mực, bởi mùa hè là mùa đi biển du lịch, tình trạng nướng mực phổ biến. Nguyên nhân do người tham gia nướng mực chủ quan, không để ý kỹ hoặc không biết rằng ngọn lửa cồn có màu trắng nên nhiều khi nó vẫn đang cháy mà lại tưởng lầm đã cháy hết nên tiếp cồn vào. Điều đáng nói là khi lửa bùng lên, người nướng mực thường có phản xạ rụt tay lại và làm rơi cả chai cồn xuống nên lửa càng bùng phát mạnh. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thống, không chỉ người lớn mà có nhiều trẻ em cũng bị bỏng tương tự do ngồi xem người lớn nướng mực.

Tại Viện Bỏng Quốc gia, số liệu thống kê thời gian này cho thấy, bệnh nhân bỏng là trẻ em chiếm đến 60-70% và gần nửa trong đó là trẻ từ 1-3 tuổi. Các nguyên nhân gây bỏng rất đa dạng nhưng phần đông có điểm chung là do mùa hè trẻ được nghỉ học, trong khi các ông bố bà mẹ bận đi làm ít có thời gian chăm sóc con cái hoặc bất cẩn. Rất nhiều trẻ bị bỏng nặng do nước sôi vì bị phích, ấm nước nóng đổ vào người, ngã vào bếp, đống rơm, rạ đang đốt. Cũng không ít trẻ bị bỏng điện do trèo lên cột điện, mái nhà để bắt tổ chim, hoặc thả diều trong khu dân cư khiến cánh diều vướng vào đường dây điện gây chập điện…

Nhiều trẻ nguy kịch vì bỏng ảnh 2
Bệnh nhân bỏng điều trị tại khoa Bỏng - BV Xanh Pôn

Tránh sai lầm khi chữa bỏng

Bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo, nếu bị bỏng do lửa bắt vào người thì cần lập tức xé bỏ phần quần áo đang cháy để tránh ngọn lửa bén thêm gây bỏng diện tích rộng trên cơ thể. Chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo nếu quần áo dính vào vết bỏng, không được tự ý lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng. Sau đó dùng nước sạch đổ lên vết bỏng, với những vết bỏng ở tay có thể để cho nước từ vòi nước máy chảy trực tiếp lên vùng bỏng hoặc ngâm phần chi bị bỏng trong nước lạnh nhưng phải thay nước thường xuyên 3-4 phút một lần cho đến khi nào nạn nhân thấy đỡ đau rát. Lúc đó có thể băng ép chỗ vết bỏng và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, nếu quãng đường đến viện xa thì có thể bù dịch cho bệnh nhân bằng cách cho uống orezon hoặc nước chè đường để tránh sốc…

Các bác sĩ cho biết, vấn đề nổi cộm nhất trong điều trị hiện nay vẫn là người lớn thiếu kiến thức về cách sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng, dẫn tới lúc trẻ được đưa vào viện thì tình trạng bỏng đã rất nguy kịch. Viện Bỏng Quốc gia thống kê, có khoảng 2/3 số bệnh nhi bỏng bị gia đình sơ cứu sai trước khi đưa tới BV. Rất nhiều phụ huynh mắc phải những sai lầm trong sơ cứu bỏng cho trẻ em như khi thấy con bị bỏng liền lấy nước mắm, kem đánh răng, lòng trắng trứng gà... đổ và xoa vào chỗ bỏng của trẻ. Ở vùng nông thôn, phần nhiều trẻ khi bị bỏng nhẹ, phụ huynh thường đưa trẻ tìm đến các thầy lang để chữa trị bằng thuốc nam hoặc tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian. Đây là việc làm nguy hại khiến vết thương bỏng trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề hơn cho trẻ. 

Cũng vì thế, trên trang web của mình, Viện Bỏng Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo, các bệnh nhân bỏng được thầy lang chữa khỏi thực chất là do thầy lang “ăn may”, gặp những bệnh nhân bỏng nhẹ, bỏng nông, vết bỏng tự khỏi... Còn  trong trường hợp bỏng sâu, bỏng nặng, việc cố tình theo điều trị bằng các bài thuốc nam đã khiến nhiều bệnh nhân bị nặng thêm, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Hàng năm, Viện Bỏng đã thu nhận hàng trăm bệnh nhân bỏng như vậy do chữa trị ở các thầy lang. Viện Bỏng Quốc gia cũng thông tin cho biết đã từng nghiên cứu, đánh giá hơn 10 loại thuốc do các thầy lang “nổi tiếng” hiến. Kết quả là các bài thuốc đó không có gì đặc biệt, có nhiều loại thuốc thậm chí còn làm tăng đau đớn cho bệnh nhân và chậm liền vết bỏng. Nhiều bài thuốc “gia truyền” của thầy lang còn được đưa thêm các thuốc tây y vào (kháng sinh, cocticoid...) rất nguy hiểm cho người sử dụng.