Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

Nhiều quy định chưa khả thi

ANTĐ - Để thay thế Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật khác, Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Song bên cạnh những vấn đề mới, tiến bộ, văn bản này vẫn còn nhiều nội dung cần được bổ sung, làm rõ…

Cứ vi phạm là... phạt 

Bộ GD&ĐT đang gửi Dự thảo đến các Sở GD&ĐT và các  trường để lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo. Đáng chú ý trong văn bản này là quy định thầy cô đánh, hành hạ học sinh sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Trong khi đó, việc xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo có mức phạt cao hơn, từ 5-20 triệu đồng. Ngoài ra, Dự thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nóng khác như việc quyết định đuổi học sinh vi phạm kỷ luật thuộc thẩm quyền của nhà trường, nhưng trên thực tế, không ít trường làm sai quy định khiến nhiều học sinh phải “đứt gánh giữa đường”. Để chấn chỉnh tình trạng này, dự thảo nêu rõ “sẽ xử phạt hành chính đối với các nhà trường vi phạm quy định về kỷ luật người học”: Với quyết định kỷ luật buộc học sinh thôi học không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng. Mức phạt tùy thuộc vào số lượng người học bị kỷ luật sai. Ngoài việc xử phạt hành chính, các trường vi phạm phải hủy bỏ các quyết định sai trái và khôi phục quyền học tập của người học.

Bên cạnh đó, hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra việc sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm hoặc các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người học cũng sẽ bị phạt từ 2-10 triệu đồng. 

Còn nhiều bất cập

Về những nội dung liên quan tới dạy thêm học thêm, theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Dự thảo chưa bao quát hết các hành vi vi phạm xảy ra trong thực tế. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT xác định cấp tiểu học không được phép dạy thêm học thêm, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Vậy trong trường hợp tổ chức, cá nhân xin phép dạy nghệ thuật, thể thao… nhưng thực tế lại dạy các môn học chính thì xử lý thế nào?  

Ngoài những vấn đề trên, có lẽ điều được quan tâm nhất trong dự thảo lần này chính là quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với việc hành hạ học sinh và 5-20 triệu đồng với việc hành hạ, xâm phạm danh dự, thân thể giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục. Luật sư Hồng Vân nhận định, việc phạt tiền với những hành vi trên là không cần thiết, bởi hành vi này đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, trong giáo dục, điều quan trọng nhất là xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò chứ không phải “đánh” vào túi tiền của họ. Điều này rất dễ gây phản ứng ngược cho học sinh, đặc biệt là những học sinh cá biệt, nhà có điều kiện, ỷ lại vào tiền bạc, có hành vi xúc phạm thầy cô. Bên cạnh đó, mức phạt được đưa ra còn quá chênh lệch và có sự phân biệt giữa người dạy và người học. Chắc chắn khi đọc quy định này, không ít người sẽ đặt câu hỏi: “Phải chăng việc hành hạ, xúc phạm học sinh bị coi nhẹ hơn giáo viên”? 

Một vấn đề nữa được dư luận quan tâm trong dự thảo nghị định lần này đó là việc xử phạt đối với văn bằng giả. Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, vấn đề này không dễ thực hiện bởi hiện nay, việc sử dụng văn bằng giả còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Điều 25 dự thảo nêu “phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo diện tích giảng dạy”. Điều này nên bỏ vì điều kiện cơ sở vật chất trong các trường không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của hiệu trưởng mà còn liên quan đến chính quyền địa phương. Về quy định xử phạt 5-20 triệu đồng đối với hành vi bố trí số lượng học sinh, sinh viên/lớp vượt quá mức quy định, đây là điều cần thiết song phải phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương và cần phân cấp xử phạt rõ ràng. 

Rõ ràng, mục đích của Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục là nhằm đảm bảo một môi trường giáo dục trong sạch, mẫu mực. Song để những quy định này sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả như mong muốn, đơn vị chủ quản và các ban, ngành liên quan cần nhanh chóng tổng hợp ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức để hoàn thành, chỉnh sửa nội dung cho phù hợp.