Nhiều Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết quan trọng được công bố

ANTĐ - 11  luật, 1 Pháp lệnh và 1 Nghị quyết – Đó là số lượng văn bản pháp luật vừa được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố sáng nay, 17-7.

Ban hành Pháp lệnh CSMT là đòi hỏi cấp thiết.

Các văn bản được công bố bao gồm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Luật Thú y; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật tổ chức Chính phủ; Pháp lệnh cảnh sát môi trường và Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc  thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động.

Về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh cảnh sát môi trường (CSMT), Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh những thành tựu, môi trường tự nhiên cũng bị ô nhiễm, khối lượng và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng, biến đổi khí hậu gây ra mưa bão, lũ lụt với cường độ lớn…Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân…

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
nêu nội dung cơ bản của Pháp lệnh cảnh sát môi trường

Do tổ chức và hoạt động của CSMT mới được quy định bằng Nghị định của Chính phủ  mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định đầy đủ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn…đảm bảo cho hoạt động của lực lượng CSMT cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Do vậy, việc ban hành Pháp lệnh CSMT là đòi hỏi khách quan và cấp thiết.

  Pháp lệnh CSMT gồm 5 chương với 19 điều quy định cụ thể 13 nhiệm vụ, quyền hạn của CSMT: Điều tra các tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật, áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm..

 
Nhằm mở rộng đối tượng để đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng, hưởng BHXH hướng tới mục tiêu bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHXH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Nội dung cơ bản của Nghị quyết khẳng định người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu  nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo Quy định của Luật BHXH 2014. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm  không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016.

Đặc biệt coi trọng phòng ngừa tai nạn lao động

 Luật Tổ chức Chính phủ bổ sung thêm 1 số quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương, thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, trả lời chất vấn trước Quốc hội và UBTV Quốc hội…, còn phải thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 Quang cảnh buổi họp báo

Liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, luật quy định rõ, trường hợp dự thảo VBQPPL không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành VBQPPL phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng  VBQPPL, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng VBQPPL. Luật còn quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành VBQPPL.

 
Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đặc biệt coi trọng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp qua việc ưu tiên  các biện pháp loại trừ, giảm thiểu và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại…Luật cũng quy định rõ nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ phải được thực hiện trong suốt quá trình lao động, các biện pháp xử lý kỹ thuật gây mất ATVSLĐ và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.