Nhiều dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(ANTĐ) - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội chưa bùng phát một dịch bệnh lớn nào song quy mô các dịch bệnh lại diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Bên cạnh mối lo sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp thì nhiều dịch bệnh khác cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh.

Nhiều dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(ANTĐ) - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội chưa bùng phát một dịch bệnh lớn nào song quy mô các dịch bệnh lại diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Bên cạnh mối lo sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp thì nhiều dịch bệnh khác cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh.

Phun thuốc diệt bọ gậy phòng SXH tại nhà dân phường Láng Hạ (Đống Đa)
Phun thuốc diệt bọ gậy phòng SXH tại nhà dân phường Láng Hạ (Đống Đa)

Bắt đầu mùa sốt xuất huyết

Năm 2009 là năm mà dịch sốt xuất huyết bùng phát rất mạnh ở Hà Nội với số người mắc tăng gấp 6 lần so với năm 2008 và chiếm đến 1/10 tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết trên toàn quốc. Do nhận định dịch SXH tại Hà Nội thường bùng phát theo quy luật thời gian (5 năm lại có một đỉnh dịch lớn) nên đa phần ý kiến đều cho rằng trong năm 2010 này, dịch SXH khó bùng phát lớn. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2009 - năm có số mắc cao nhất trong 10 năm qua.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, những diễn biến của dịch cho thấy, nguy cơ bùng phát một đợt dịch sốt xuất huyết lớn vẫn rất có thể xảy ra nếu chúng ta chủ quan. Trong năm 2010, số mắc sốt xuất huyết tập trung đông tại các quận nội thành gồm Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… Qua điều tra dịch tễ tại 60 xã, phường trọng điểm về sốt xuất huyết của thành phố cho thấy, các chỉ số vectơ truyền bệnh (bọ gậy, muỗi) tại các khu vực này đều ở mức nguy cơ cao, có thể gây bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Cũng theo ông Hạnh, thời gian này hàng năm chính là thời điểm bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội với số mắc tăng vọt so với những tháng đầu năm. Do đó, diễn biến của dịch trong thời gian tới còn rất phức tạp và không lường trước được.

Hà Nội thành lập mạng lưới cộng tác viên ATVSTP

(ANTĐ) - Ngày 11-6, Sở Y tế Hà Nội đã chính thức ra quân mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch bệnh và VSATTP trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, tại tất cả các xã, phường của thành phố đều có 2 cộng tác viên phòng dịch và VSATTP làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia và thực hiện các hoạt động, giải pháp nhằm đảm bảo VSATTP; phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc mầm mống dịch bệnh tại thôn, xóm cho trạm y tế địa phương; nhắc nhở và thông báo nếu phát hiện các vi phạm về VSATTP cho chính quyền địa phương… Mỗi cộng tác viên sẽ được hưởng chế độ của thành phố là 100.000đ/ tháng.

Duy Tiến

Đặc biệt, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra, hiện nay ở thành phố xu hướng ngủ không mắc màn đang có chiều hướng tăng trở lại. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh do muỗi truyền bệnh. Điển hình như năm 2009, sốt xuất huyết bùng phát rất mạnh tại các khu vực ở trọ của người lao động tự do, học sinh sinh viên, công nhân công trường xây dựng…, đây là những đối tượng có tỷ lệ ngủ không buông màn nhiều nhất.

Ám ảnh dịch bệnh từ thực phẩm

Ông Hạnh cho biết, trong tháng vừa qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khá lớn ở huyện Phúc Thọ. 18 người bị tiêu chảy, phải vào trạm y tế và BV huyện cấp cứu sau khi ăn uống tại một đám cỗ. Thành phố cũng đã ghi nhận 7 ca bị bệnh liên cầu khuẩn nặng phải nhập BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, tất cả đều là nam giới và trong đó có 6 người bị bệnh do nguyên nhân ăn tiết canh.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình cũng vừa thông báo, một bệnh nhân nam 60 tuổi, ở Ninh Bình đã tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Được biết, trước đó gia đình bệnh nhân này đã tổ chức giết mổ và ăn tiết canh lợn.

Về dịch bệnh truyền nhiễm do thực phẩm, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, một trong những vấn đề lo ngại nhất trong mùa hè là nguy cơ quay trở lại của dịch tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 10 ca tiêu chảy cấp do tả, trong đó một số ca chưa xác định được chính xác nguồn thực phẩm lây bệnh. Trong bối cảnh vi khuẩn tả vẫn tồn tại trong môi trường tại nhiều khu vực, số người lành mang trùng còn lớn, nhu cầu đi lại giữa các địa phương lớn… nên công tác phòng chống dịch rất khó khăn.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã xảy ra 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, tập trung ở các huyện phía tây thành phố gồm Chương Mỹ (2), Hoài Đức, Quốc Oai, Sơn Tây. Nguyên nhân tử vong đều do bị chó dại cắn. Theo ông Hạnh, mùa hè là thời điểm thuận lợi cho bệnh dại phát triển, do đó người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình và cộng đồng.

Nguyễn Phan