Nhiều chính sách giúp nạn nhân bom mìn cải thiện cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu thống kê, đến tháng 12-2020, Việt Nam vẫn còn 5,640 triệu ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước. Cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn.

Lực lượng công binh rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn cho người dân

Lực lượng công binh rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn cho người dân

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết, hoạt động khắc phục hậu quả, trợ giúp nạn nhân bom, mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên.

Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc; diện tích ô nhiễm ngày càng thu hẹp lại, số vụ tai nạn do bom, mìn, vật nổ gây ra giảm dần.

Đáng chú ý, nhiều chính sách, chế độ, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai như chế độ trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom, mìn nặng; tiếp nhận nạn nhân vào các cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ mai táng cho các gia đình nạn nhân bom, mìn; miễn giảm học phí, cấp đồ dùng học tập cho các nạn nhân là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông…

Còn theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Năm 2019, gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội với người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìnvà chất độc hóa học.

Hàng tháng, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đến nay, cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trên 10 vạn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đánh giá về kết quả hỗ trợ nạn nhân bom mìn giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam hiện nay khoảng 800 nghìn tấn. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Việt Nam đã có nhiều chính sách khắc phục hậu quả bom mìn và quan tâm và hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra. Các công việc này đã và đang được các bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai, trong đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng đem lại nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch này tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật.

Thi nhận thức về tác hại của bom mìn

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4-4, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức cuộc thi trực tuyến trên trang thông tin điện tử VNMAC.

Cuộc thi trực tuyến mang chủ đề “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam".

Thí sinh tham gia dự thi xem video clip, sau đó trả lời câu hỏi trắc nghiệm trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối Internet (máy tính bảng, điện thoại thông minh) theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn. Mỗi đề thi gồm 1 video clip và 5 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 15 phút.

Cuộc thi có 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng, 2 giải nhì (mỗi giải 5 triệu đồng), 3 giải ba (mỗi giải 3 triệu đồng) và 10 giải khuyến khích (mỗi giải 1 triệu đồng).