Nhân viên hoả táng “nhổ” răng vàng của người chết

ANTĐ - Được người dân cung cấp thông tin, mới đây cảnh sát thị trấn Landau, ở tây nam nước Đức đã đột kích nhà của Hans Bauer, 32 tuổi, một nhân viên hỏa táng và tìm thấy 1 kg răng vàng (trị giá khoảng 40.000 USD) cất giấu trong tủ quần áo. 

Còn nhiều khoảng trống về pháp lý trong việc xử lý kim loại còn lại sau hỏa táng

Kiếm tiền từ tài sản vô thừa nhận

“Hans Bauer nói rằng không thấy điều gì sai trái bởi vì đó là tài sản của người đã chết”, phát ngôn viên cảnh sát địa phương cho biết . Về trường hợp Hans Bauer, người quản lý của nhà hỏa táng tại thị trấn Landau, Joachim Reber nói: “Chúng tôi ngay lập tức sa thải nhân viên này”. Theo trang điện tử Spiegel đăng tin hôm 18-6, ngoài Hans Bauer bị tạm giữ, 3 nhân viên khác tại cơ sở này cũng đang bị điều tra về việc đánh cắp răng vàng từ tro hỏa thiêu. 

Trường hợp như Hans Bauer không phải là hiếm. Năm 2010, nước Đức đã chấn động trước thông tin 9 nhân viên hỏa táng tại Hamburg bị điều tra vì bị buộc tội thu thập răng vàng và đồ trang sức của khách hàng. Nhật báo Hamburger Abendblatt đưa tin, cuối tháng  8-2010, cảnh sát đã đột kích văn phòng và nhà của 9 nhân viên thuộc công ty hỏa táng nghĩa trang Öjendorf ở thành phố cảng miền bắc này, thu giữ khoảng 146.000 euro tiền mặt được cho là kiếm được từ tro của khách hàng. 

Nhìn chung, đây là vấn đề nhạy cảm mà phần lớn các doanh nghiệp làm dịch vụ tang lễ từ chối công khai. Như trường hợp dịch vụ hỏa táng nghĩa trang Öjendorf tại Hamburg, đại diện nghĩa trang cho biết, khi các thành viên trong gia đình không muốn lấy, nhân viên của họ thu lại các kim loại quý và mỗi tháng dồn vào bán đi để lấy tiền giúp đỡ trẻ em bị ung thư. Nhưng trong vài năm trở lại đây, ban quản lý nghĩa trang nhận thấy số tiền đó giảm sút nhiều nên đã báo cảnh sát.

Theo điều tra của tờ Bestatterzeitung, vụ bê bối về răng vàng sau khi hỏa táng ở Humburg làm nổi lên cái gọi là “giao dịch khuất tất” của ngành dịch vụ tang lễ. Bài báo cho biết, nước Đức có khoảng 400.000 khu hỏa táng hoạt động mỗi năm, một thị trường được đánh giá là cạnh tranh cao. Tờ báo đã khảo sát khoảng 80 cơ sở làm dịch vụ hỏa táng để tìm hiểu cách thức họ xử lý răng vàng và kim loại quý khác thuộc về người quá cố, nhưng chỉ có 6 đơn vị trả lời, trong đó 3 đơn vị nói họ để lại trong bình đựng di cốt, còn lại số tiền bán đi dùng để làm công tác xã hội.

Vùng tối pháp lý

Đây là vấn đề vẫn đang nằm trong vùng pháp lý chưa rọi tới. Không phải tất cả cơ sở dịch vụ hỏa táng cảm thấy bắt buộc phải thu kim loại quý còn sót lại rồi làm phúc lợi xã hội. Một số người trong cuộc cho biết, có người coi đó là vận may của riêng mình, đôi khi họ lại quả cho nhà tang lễ, hoặc như nguồn tin giấu tên trên Hamburger Abendblatt thì đó là khoản tiền thưởng cho chủ cơ sở.  

Pháp luật Đức không quy định rõ ràng ai là người sở hữu phần kim loại còn sót lại sau quá trình hỏa táng. Vì thế hành vi tự ý cất giấu, sử dụng nguồn kim loại quý từ tro cốt cũng khó khép vào tội trộm cắp. Điển hình năm 2007, 6 nhân viên hỏa táng đã bị tòa án Nuremberg xét xử sau khi kiếm được 135.000 euro bằng việc bán răng vàng cho một thợ kim hoàn địa phương, nhưng cuối cùng họ cũng chỉ nhận án treo.

“Giải pháp tốt nhất cho tất cả các bên liên quan là cứ để lại các kim loại quý trong tro”, ông Karl-Heinz Könsgen, người đứng đầu Hiệp hội nghĩa trang Đức nói. Theo ông, để mọi chuyện minh bạch thì cần tăng cường video giám sát nhân viên. Trong sự việc mới nhất, cơ sở dịch vụ hỏa táng ở Landau đã rút kinh nghiệm lắp đặt hệ thống camera để giám sát nhân viên.

Việc xử lý vấn đề nhạy cảm đòi hỏi sự hài hòa về mặt pháp lý và đạo lý này không chỉ riêng nước Đức mà nhiều quốc gia khác cũng quan tâm. Nước Anh đã có một mô hình khá hiệu quả để kiểm soát nguồn kim loại quý sau hỏa táng trôi nổi trên thị trường.

Theo BBC, Viện Quản lý nghĩa trang và hỏa táng của Anh đã khởi động đề án tái chế thu hút sự tham gia của hơn 50% số cơ sở hỏa táng tại nước này. Sau khi thông tin đầy đủ với tang quyến và được sự đồng ý của họ, cơ sở hỏa táng sẽ đưa bất kỳ kim loại còn sót lại nào vào một chiếc thùng, sau đó 2 lần một năm, những vật liệu này được đưa qua máy tách kim loại để xử lý lần cuối. Tiền thu được từ việc tái chế được tặng cho các tổ chức từ thiện. Đến thời điểm năm 2009, đề án đã thu được hơn 100.000 bảng Anh.