Nhân quyền thật sự là không được vu cáo, xâm phạm lợi ích người khác

ANTĐ - Tác giả Stephen Totilo vừa có bài viết trên Kotaku.com, trang web uy tín bậc nhất đối với giới phát triển game, về hiện tượng Flappy Bird và tác giả của nó, Nguyễn Hà Đông. Trong bài viết này, ngoài nội dung đề cao thành công của nhà thiết kế trò chơi trên mạng điện thoại di động Việt Nam, đáng chú ý tác giả còn lên tiếng xin lỗi về một số ý kiến trong các bài viết về Flappy Bird có thể gây phiền muộn đối với Nguyễn Hà Đông. Có thể coi trang Kotaku.com là một trang có trách nhiệm, có đạo đức.

Soi lại trong bát nháo các trang mạng, chúng ta thấy đầy rẫy những dối trá, những hồ đồ và quan trọng nhất, khi sai mười mươi, các trang mạng này vẫn câm như hến. Điển hình như vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn sắp được đưa ra xét xử. Trong những bị cáo bị đưa ra xét xử lần này có ông Phạm Trung Cang bị truy tố vì tội: Cố ý làm trái. Nhưng đáng quan tâm là ngay sau khi Viện KSNDTC có quyết định đình chỉ điều tra, Bộ Công an có quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh, ngày 24-12-2013, ông Phạm Trung Cang đã xuất cảnh sang Mỹ vì việc riêng.

Ngay sau đó, ngày ngày 2-1-2014, Tòa án ND TP Hà Nội đã trả hồ sơ cho Viện KSND Hà Nội để xem xét làm rõ vai trò đồng phạm của các ông Phạm Trung Cang về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngay lập tức các trang mạng đã làm ầm ĩ về việc ông Phạm Trung Cang đã xuất cảnh. Rất nhiều trang mạng đã nhận định: Ông Phạm Trung Cang đã trốn. Thậm chí có trang mạng còn viết nhảm: Liệu có sự mờ ám, thiếu khách quan khi VKSND Tối cao đình chỉ quyết định khởi tố với ông Cang trước đó? Và giống như Dương Chí Dũng, ông Cang cũng có một “ông anh” nào đó đã “mật báo” về việc sẽ bị điều tra lại để “đại gia” này kịp “mất tích” khỏi Việt Nam? Và còn nhiều, nhiều nữa những nhận định xấu cả về đạo đức lẫn những vấn đề riêng tư của ông Cang. Đùng một cái, ngày 25-1-2014, ông Cang về nước và chấp nhận mọi chế tài của pháp luật. Đáng tiếc, ngay sau đó không thấy trang mạng nào lên tiếng xin lỗi hoặc đính chính về những nhận định sai trái và thậm chí vi phạm các quy định pháp luật của mình. Người ta ngậm tăm.

Mới đây, một nhân vật đã từng thụ án tù vì tội xâm phạm an ninh Tổ quốc là Nguyễn Bắc Truyền bị cơ quan điều tra triệu tập vì nhiều người gửi đơn tố cáo ông Truyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do ông Truyền không chịu thực hiện lệnh triệu tập nên cơ quan điều tra buộc cưỡng chế để lấy lời khai. Ngay khi cưỡng chế, cơ quan điều tra đã đọc lệnh triệu tập, trong đó ghi rõ lý do là do có nhiều đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính ông Truyền cũng xác định là ông ta nợ rất nhiều người những món tiền lớn. Sau khi lấy lời khai ông Truyền, cơ quan điều tra đã khuyến khích ông ta thương thảo với các chủ nợ để khỏi vi phạm các quy định pháp luật và mời ông ta về. Vậy mà, ngay khi cơ quan điều tra triệu tập ông Truyền, nhiều trang mạng thù địch đã kêu cứu váng lên, thậm chí có trang mạng còn đề nghị các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp gấp. Có trang mạng còn vu cáo: công an bắt cóc ông Nguyễn Bắc Truyền đưa đi đâu không rõ. Rõ khổ. Ngay khi ông Truyền được phép rời khỏi cơ quan điều tra, ông ta đã nói rõ lý do bị triệu tập: Nợ quá nhiều không trả được, hứa nhăng cuội để các chủ nợ phải làm đơn tố cáo. Suýt nữa các tổ chức nhân quyền lại phải can thiệp chạy nợ cho một ông ăn tiêu quá tay. Đáng tiếc, các trang mạng vu cáo ầm ĩ khi ông Truyền bị triệu tập, bây giờ im thin thít. Không có tờ nào đỏ mặt cải chính hay nói chữa.

Pháp luật chúng ta cho phép mọi công dân được bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên pháp luật nước ta cũng như pháp luật nhiều nước không cho phép lợi dụng tự do bày tỏ quan điểm để vu cáo, để xâm phạm lợi ích của các cá nhân và tổ chức. Sẽ đến lúc phải thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật, đưa các trang mạng có đủ chứng cứ vu cáo, bịa đặt ra vành móng ngựa. Như thế mới đúng là tự do và dân chủ, mới thực thi nhân quyền.