Nhân lên “vùng xanh” trên mạng xã hội để lan tỏa năng lượng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với việc “điểm mặt chỉ tên”, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các trường hợp tung “tin giả” (Fake News), tin sai sự thật… về dịch Covid-19 gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, nhân dân, cũng rất cần thiết lập “vùng xanh” tin thật, tin chính thống để tạo thành những tấm lá chắn, mũi tên đánh bại “tin giả” trên không gian mạng, bảo vệ sự bình yên và an toàn cho nhân dân.
579 Group “Tôi yêu xã phường, thị trấn” đang lan tỏa truyền đi năng lượng tích cực khi thu hút 40.000 thành viên với 7 triệu lượt tương tác từ người dân Thủ đô

579 Group “Tôi yêu xã phường, thị trấn” đang lan tỏa truyền đi năng lượng tích cực khi thu hút 40.000 thành viên với 7 triệu lượt tương tác từ người dân Thủ đô

Khôn lường tác hại của tin giả, xấu độc

Bất chấp sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh theo pháp luật của các lực lượng chức năng, những “tin giả”, tin sai sự thật, thậm chí những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo… nhằm các mục đích xấu xa trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn liên tiếp xuất hiện, nhất là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc và tử vong tăng cao. Những thông tin này có thể gây ra những tác hại khôn lường, làm đảo lộn đời sống người dân, gây hoang mang, sợ hãi, lo lắng trong cộng đồng, xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống dịch vốn đang rất cần sự chung sức đồng lòng của mọi lực lượng, tất cả các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói những thông tin thất thiệt, tin giả trong dịch bệnh có thể gây ra những tác hại ghê gớm khi mà tại nước ta hiện đã có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Với rất nhiều tính năng được tích hợp, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, có ích, trên mạng xã hội cũng có những người do thiếu hiểu biết, thông tin và nguy hại nhất là các đối tượng xấu, tổ chức lợi dụng không gian mạng để đưa lên, tung ra những thông tin thất thiệt, sai trái, thậm chí là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại nước ta, đã có rất nhiều tin giả về dịch bệnh được phát tán trên các mạng xã hội. Những ngày gần đây, khi đợt dịch thứ tư diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, lượng tin giả có dấu hiệu gia tăng trên mạng xã hội. Nội dung chủ yếu của các thông tin thất thiệt, bịa đặt này là đưa sai sự thật về tình hình dịch bệnh, nhất là các “điểm nóng” đang thực hiện giãn cách xã hội; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương… và nguy hại nhất, dụng ý đen tối nhất là các tin giả nhằm kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Điển hình như, ngày 6-8 vừa qua, VAFC đã phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trung tâm khẳng định, nội dung thông tin này là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Gần đây nhất, một tin giả rất nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phòng, chống dịch tại “điểm nóng” TP.HCM là có những đối tượng tung tin giả về việc “tiêm vaccine Trung Quốc, người dân bỏ về hết”. VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là tin giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cần nhân rộng, lan tỏa “vùng xanh” thông tin trên không gian mạng

Theo thống kê của VAFC, thời gian qua, Trung tâm đã công bố dán nhãn 37 tin giả; cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến... Cũng từ đầu đợt dịch thứ tư (27-4) đến nay, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương trên cả nước như từ Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau… đã xử lý hàng trăm vụ tung tin giả.

Có thể thấy, việc xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các vụ tung tin giả, tin thất thiệt nói chung, trong đó có về dịch bệnh Covid-19, nói chung là rất cần thiết, có tác dụng cảnh báo, răn đe người dân tìm hiểu kỹ, hành động có kiến thức và trách nhiệm với các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là răn đe các đối tượng xấu toan tính tung tin giả với động cơ, mục đích xấu xa, đen tối.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý thông tin giả để “tiêu diệt” những “vùng đỏ” thông tin trên mạng xã hội, việc tạo ra, nhân lên, làm lan tỏa rộng rãi những “vùng xanh” thông tin chính xác, có trách nhiệm, mang tính xây dựng, nhân văn, tích cực trên không gian mạng cũng là điều rất cần thiết. Những thông tin này giúp lan tỏa những năng lượng tích cực, khích lệ, cổ vũ người dân, nhất là các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, để có thêm niềm tin, sức mạnh nhằm chiến đấu và chiến thắng “giặc” Covid-19.

Một trong những “vùng xanh” nổi bật là 579 Group “Tôi yêu xã, phường, thị trấn” đã góp phần hỗ trợ hữu hiệu để tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, quy định về công tác phòng chống dịch đến từng người dân Thủ đô Hà Nội. Sự lan tỏa mạnh mẽ của “vùng xanh” tràn đầy năng lượng tích cực này là chỉ trong vòng 1 tháng sau khi triển khai, hàng trăm group do Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội và 30 quận, huyện, thị đoàn trên địa bàn Thủ đô phối hợp vận hành đã thu hút 400.000 thành viên tham gia với 1,7 triệu lượt tương tác với người dân.

Trong những ngày giãn cách xã hội, với hệ thống 579 Group “Tôi yêu xã, phường, thị trấn” đã hoạt động hết sức hiệu quả và thiết thực, không chỉ gắn kết người dân trên địa bàn thành phố mà còn góp phần hỗ trợ hữu hiệu từng địa phương trong công tác tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đến từng người dân; đồng thời phản ánh những vi phạm pháp luật và phòng, chống dịch… Các nhóm cũng đã tuyên truyền phản bác, đính chính thông tin trên không gian mạng, thông tin truyền miệng không chính xác tại địa bàn từng tổ dân phố, thôn, xóm của các phường, xã, thị trấn. Thông qua không gian mạng, chiến sĩ trẻ Thủ đô giúp người dân kịp thời, định hướng cho giới trẻ những điều nên và không nên khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Rõ ràng, càng nhiều những “vùng xanh” thông tin như 579 Group “Tôi yêu xã, phường, thị trấn” trên các không gian mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok…) cũng chính là giúp thu hẹp, triệt tiêu các “vùng đỏ” tin giả, xấu độc nhằm bảo vệ sự bình yên trên không gian mạng, bảo vệ sự an toàn cho người dân trước dịch bệnh.