Nhà văn Ma Văn Kháng ra sách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 60 năm viết văn, độc giả lâu nay biết tới nhà văn Ma Văn Kháng là tác giả của hàng trăm tác phẩm văn học được yêu thích. Nhưng ít ai biết, hơn chục năm qua, ông lại dành nhiều tâm huyết cho đề tài xây dựng chỉnh đốn Đảng với gần 100 tác phẩm.

Với thể loại bút ký chính luận viết về xây dựng Đảng - mảng đề tài khó nhưng không kém hấp dẫn, là không gian cho những tìm tòi, khám phá, lao động sáng tạo mới, ông cho rằng, đó là mối nhân duyên, là duyên nợ của cuộc đời mà ông tự gánh vác, tự đeo vào đời mình.

Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của một đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng, luôn trăn trở và dành nhiều tâm huyết cho đề tài xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ma Văn Kháng đều đặn, bền bỉ đóng góp những bài viết cho chuyên mục “Sinh hoạt đảng” của Tạp chí Xây dựng Đảng.

Theo nhà văn, tham gia bảo vệ những nền tảng tư tưởng của Đảng là nguồn cảm hứng rất mạnh mẽ của bản thân mình bởi niềm tin vào chân lý, bởi cái lý tưởng mình theo đuổi.

Trên cơ sở tập hợp những bài viết của ông cho chuyên mục này trong các năm 2019, 2020, 2021 và 2022, tập bút ký chính luận với tiêu đề "Nếu chúng ta không cháy lên" đã được nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ra mắt bạn đọc với 40 bài viết.

Mỗi bài là một câu chuyện chất chứa những suy tư, chiêm nghiệm của tác giả trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại, những vấn đề còn cần phải bàn đến trong công tác xây dựng Đảng như: Trách nhiệm công dân, gương người tốt, việc tốt, nhận thức về lý tưởng của người vào Đảng, trách nhiệm của người đảng viên, sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, trọng dụng người tài đức, các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, Đảng viên…

Thể hiện nhãn quan tinh nhạy của một nhà văn, vốn sống dồi dào và ngòi bút sắc sảo, trong cuốn sách, Ma Văn Kháng đã đề cập những vấn đề thời sự của đất nước, những câu chuyện có tính nhân văn sâu sắc vào từng trang văn.

Những trang viết được chưng cất qua ký ức, qua kỷ niệm, qua những niềm vui nỗi buồn của đằng đẵng nửa thế kỷ cầm bút, nó mang tới cho người đọc một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, thậm chí cả phẫn uất nhưng cũng không thiếu sự hóm hỉnh…

Với giọng kể gần gũi như tâm tình, giản dị, thân thuộc như cuộc sống vốn có của nó, văn phong nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng sắc gọn, mạch lạc, cuốn hút, chú trọng nội dung, những bài bút ký của ông dù đề cập đến những vấn đề mặt trái của xã hội nhưng không hề gây ra tâm lý bi lụy, phẫn uất, nhìn đời chỉ một màu đen tối mà luôn vững tin vào một con đường tươi sáng được nhà văn khéo léo gợi mở ở phần cuối mỗi bài viết. Nó như những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân, mà trên hết là những người cán bộ, đảng viên. Từ đó, mỗi chúng ta có ý thức tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh bản thân mình, bởi sức mạnh của một cộng đồng xã hội được tạo nên từ chính sức mạnh và sự thức tỉnh của mỗi cá nhân. Cuốn sách cũng là một góc nhìn, một tiếng nói, một cách viết về xây dựng Đảng.