Nhà văn hóa cộng đồng ở Tây Nguyên: Xây xong “đóng cửa, bỏ hoang”! (2)

ANTĐ - Trước thực trạng hàng trăm nhà văn hoá cộng đồng (NVHCĐ) ở Tây Nguyên bị bỏ hoang và xuống cấp, hoặc hoạt động kém hiệu quả, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương đang tích cực tìm giải pháp khắc phục.

Phân tích những nguyên nhân dẫn tới tình trạng NVHCĐ hoạt động kém hiệu quả, chị Bùi Thị Kim Nga, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc cho rằng: Trước hết, do khâu thiết kế, thi công, chọn địa điểm khu đất, hướng nhà không phù hợp với phong tục, tập quán của bà con. Chẳng hạn, xây dựng NVHCĐ ở khuôn viên đất quá trật hẹp, ở vị trí không thuận tiện về giao thông, nơi “đồng không mông quạnh”. Mặt khác do kinh phí có hạn, nên nhiều NVHCĐ chỉ đủ đầu tư xây dựng cái vỏ, mà không được trang bị “phần hồn” như: bàn ghế, chiêng, ché, âm ly và các công trình phụ trợ khác như nhà vệ sinh, công trình cấp nước, cấp điện.

Một số địa phương còn chạy theo thành tích, xây dựng lấy được; trước khi xây dựng không tham khảo ý kiến người dân địa pương và ngành văn hóa, dẫn tới bê tông hóa NVHCĐ. Hậu quả là NVHCĐ không chỉ kém về chất lượng xây dựng, mà còn không phù hợp với phong tục tập quán các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên và trái ý nguyện của cộng đồng dân cư. Thậm chí, nhiều nơi do không có kinh phí chi trả phụ cấp nên thiếu cả ban quản lý; nơi có ban quản lý thì ban này lại không được tập huấn về nghiệp vụ nên hoạt động cũng kém hiệu quả.

Trong buổi làm việc với chúng tôi mới đây, đồng chí Y On Niê, Phó chủ tịch UBND và anh Bảo Thi, cán bộ văn hóa thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắc Lắc) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bà con không thiết tha tổ chức các hoạt động văn hóa tại NVHCĐ còn bởi: “Kiến trúc, hướng nhà không phù hợp với phong tục của bà con. Trong quá trình động thổ xây dựng, khánh thành không tổ chức các nghi lễ cúng thần linh theo tập quán, nên bà con không nhận đó là ngôi nhà chung của buôn làng”.

Cụ thể tại thị trấn Ea Pốk, hiện tại 5/5 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê đã xây dựng được NVHCĐ, với kinh phí từ 120-140 triệu đồng/nhà. Do kinh phí quá thấp, nên diện tích mỗi nhà chỉ khoảng 50m2 sàn, quá chật hẹp để tổ chức các hoạt động cho cả buôn với hàng trăm hộ dân. Đã vậy, thiết kế sàn nhà lại quá thấp, khuôn viên đất hẹp, hướng nhà lại không đúng theo trục Bắc-Nam theo đúng tập quán của đồng bào Ê Đê để tránh nắng hắt và mưa tạt, gió lùa. Hầu hết các NVHCĐ ở thị trấn Ea Pốk không có nhà vệ sinh, không có công trình cấp nước, chưa được trang bị chiêng, ghế Kpal và các thiết chế khác, nên không sử dụng được vào việc tổ chức được các lễ hội văn hóa truyền thống.

Ông Ngô Lãm, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Cư Dút (Đắc Nông) cho biết thêm về những bất cập khiến 10 NVHCĐ ở huyện này không hoạt động hiệu quả như mong muốn, đó là: Mới đây tỉnh Đắc Nông tiến hành cấp chiêng cho các NVHCĐ, nhưng lại cấp đồng loạt chiêng M’nông cho cả các buôn người Ê Đê, nên khi nhận về không thể sử dụng. Nhiều NVHCĐ xây dựng trên khuôn viên đất hẹp nên không có sân, không thể trồng cây xanh vì vậy rất khó cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao cho cả buôn làng.

Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy, hệ thống NVHCĐ ở Kon Tum (tỉnh này quen gọi là nhà Rông) hoạt động khá đều và hiệu quả. Trước hết, tỉnh Kon Tum có cách làm đúng ngay từ khâu ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc tổ chức vận động, xây dựng NVHCĐ ngay từ đầu đã có sự đóng góp của người dân và ngành văn hóa, nên không để xảy ra những bất cập trong kiến trúc và những khiếm khuyết về tâm linh.

Nhà văn hóa cộng đồng ở Tây Nguyên: Xây xong “đóng cửa, bỏ hoang”! (2) ảnh 1
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Dút (Đắc Nông) xây dựng xong bỏ hoang, xuống cấp

Cụ thể, trước năm 1999, toàn tỉnh Kon Tum chỉ có 265/625 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có NVHCĐ, trong đó phần lớn lại xuống cấp, hiệu quả hoạt động kém và văn hóa nhà Rông đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế ấy, ngày 25-11-1999, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Chỉ thị số: 21/1999/CT-UB “về việc duy trì và khôi phục nhà Rông truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Chỉ thị này nêu rõ mục tiêu và cách làm: Tất cả các huyện, thị xã phải đưa mục tiêu khôi phục nhà Rông vào nội dung, chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Các đơn vị kết nghĩa với các xã theo Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Kon Tum có trách nhiệm trong việc vận động nhân dân sửa chữa, xây dựng mới nhà Rông. Khuyến khích nhân dân xây dựng nhà Rông theo kiến trúc truyền thống, bằng công sức, tiền của đóng góp tự nguyện, nhưng phải bảo đảm tiết kiệm, đạt hiệu quả. Việc xây dựng nhà Rông bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, chủ đầu tư phải tham khảo ý kiến và được sự đồng ý của Sở Văn hóa – Thông tin, Sở Xây dựng về phương án thiết kế, nguyên vật liệu làm nhà Rông mới được tiến hành xây dựng. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở nhà Rông cho phù hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Nhờ cách làm đúng, mà đến nay toàn tỉnh Kon Tum có 575/588 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số có NVHCĐ và hầu hết đều hoạt động có hiệu quả. Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao, những năm gần đây nhiều NVHCĐ ở Kon Tum còn được thôn làng chọn là địa điểm tổ chức Lễ chào cờ đầu tuần hết sức ý nghĩa.

Điều đáng nói, là nhờ biết huy động sức dân trong xây dựng NVHCĐ mà Kon Tum đã tiết kiệm khá lớn nguồn ngân sách Nhà nước. Theo tính toán, kinh phí xây dựng mỗi NVHCĐ ở Kom Tum khoảng 200 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng/nhà (chiếm tỷ lệ 5-10%), còn lại hơn 90% do nhân dân đóng góp bằng vật liệu, công lao động và tiền của. Mặt khác, tỉnh Kon Tum còn huy động các nguồn kinh phí xây dựng cho NVHCĐ những công trình phụ trợ và các trang thiết bị cần thiết khác.

Việc quản lý, khai thác và sử dụng NVHCĐ và các trang thiết bị của NVHCĐ ở Kon Tum được thực hiện theo nguyên tắc “tự quản”, phù hợp với phong tục tập quán, hương ước, quy ước, luật tục của từng thôn, làng nên tránh được hư hỏng, mất mát và xuống cấp. Song song với việc khôi phục NVHCĐ tỉnh Kon Tum đã vận động bà con các dân tộc thiểu số phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống và NVHCĐ thực sự là nơi để bà con thường xuyên tổ chức các lễ hội, hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ và thể thao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phục hồi, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chúng tôi cho rằng, để NVHCĐ ở Tây Nguyên hoạt động có hiệu quả, ngoài việc khắc phục những khiếm khuyết như đã phân tích ở trên, thì ngay từ khâu chọn đất, chọn hướng, đến thiết kế và thi công xây dựng NVHCĐ cần phải có sự tham gia của người dân và ngành văn hóa. Cách làm, mô hình hoạt động của NVHCĐ ở Kon Tum rất đáng để các tỉnh khác ở Tây Nguyên cần học tập, nhân rộng.