Nhà văn Di Li: Tôi chưa tiếc ngày sống nào cả!

ANTĐ - Di Li là bút danh của nữ nhà văn trẻ chuyên viết dòng văn học kinh dị và trinh thám. Một lượng lớn độc giả yêu thích những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký của chị. Di Li nổi tiếng và có quá nhiều người cầm bút đã “khai thác” về chị. Nhưng ngoài sự xinh đẹp, thông minh và đa tài, còn có một Di Li thật khác…

- Bắt đầu bằng câu nói mà chị yêu thích: “Hãy sống như ngày mai ta phải chết và hãy chết như ngày mai ta vẫn còn sống mãi”? 

- Trong những giá trị sống, có 2 thứ tôi quý nhất, ấy là thời gian và tự do. Tôi không mong chờ đến kiếp sau, cũng không mong được lên thiên đường. Và tôi muốn tận dụng từng phút sống để cuộc sống trên mặt đất này có ý nghĩa. 

- Nếu biết trước ngày mai sẽ phải chết, thì ngày hôm nay chị sẽ sống như thế nào?  

- Chẳng làm gì nữa! Còn có 24 giờ để chết thì làm việc gì, nói câu gì cũng sẽ là vô nghĩa. Chắc là lặng im 24 giờ để ngắm mặt trời tuyệt đẹp lần cuối cùng. (Cười) Là tôi thích ý nghĩa tượng trưng của câu ấy thôi, ý rằng thời gian luôn ngắn ngủi, không có nhiều để mà ngồi chờ đợi, hy vọng, thử nghiệm và rút kinh nghiệm. 

- “Trời sinh voi rồi trời sinh cỏ”, tại sao chị lại ghét câu nói này? 

- Thì nó là đối lập với câu nói ở trên, đó là triết lý buông xuôi của một số nhà nông, phó mặc thân phận mình cho trời đất. Tôi không tin vào sự can thiệp quá nhiều của trời đất trong việc chi phối sướng khổ của mỗi người. “Trăm sự tại nhân”. Nhưng định mệnh lại can thiệp ở cái khâu quyết định, là sinh ra mỗi người có “cái tôi” khác nhau. Ví như tôi luôn tin vào sự hữu hạn của thời gian và sự vô hạn của nghị lực con người, thì cũng có người tin vào việc “Trời sinh voi rồi trời sinh cỏ”. Chính cái niềm tin và cá tính khác nhau ấy sẽ quyết định sự thành bại, hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi con người.

- Mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang rồi bỗng dưng chuyển sang nhà văn là một hành trình bao xa trong cuộc đời chị?

- Cũng là sáng tạo và nghệ thuật cả thôi mà. Nếu một ngày nào đó sáng tạo văn chương của tôi đã kiệt, tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu với nghề thiết kế hay một nghề sáng tạo nào đó khác.

- Tại sao lại là văn chương chứ không phải là một thứ nào khác? 

- Hay nhỉ, tôi rất không muốn nhắc đến từ định mệnh ở đây. Nhưng tôi yêu văn học từ nhỏ. Khi đo chỉ số năng lực tư duy ngôn ngữ, tôi cũng được 96/100 điểm đấy. Làm nhà văn là hợp lý rồi còn gì. (Cười)

- Có vẻ như chị đang canh tác trên cánh đồng chữ nghĩa như kiểu ngày mai không còn được viết nữa?

- Đúng thế đấy, tôi cứ nghĩ như thế. Đã từ rất lâu, tối nào tôi cũng tổng kết xem ngày hôm nay mình thu lại được những gì. Cái thu lại này có thể là tiền bạc, có thể là một văn bản văn học hoặc báo chí mới được viết, là một người tốt đẹp mới quen, là một chuyến đi đầy thu hoạch, một cuốn sách, bộ phim hay vừa mới xem cũng được tính… Thu được “sàng khôn” hay niềm vui đều là sống có lãi. Mà ngày nào tôi cũng thu được đấy. Chẳng có ngày sống nào của tôi là vô vị cả. Rất nhiều người hay thở dài rằng “nhìn tụi trẻ bây giờ thích thật, mình muốn được quay về 10-20 năm trước, mình sẽ sống khác đi, vì ngày xưa…”. Tôi chưa bao giờ muốn quay lại thời gian, vì tôi chưa tiếc ngày sống nào cả!  

- Chọn dòng văn học trinh thám có phải là một cách chị né sự cạnh tranh với rất đông các nhà văn trẻ khác cùng thời; hoặc đỡ bị đem ra so sánh?

- Không, thành thực mà nói tôi rất mong có thêm nhiều nhà văn nữa viết mảng này. Cụ thể là tôi luôn thúc giục nhà văn Trần Thanh Hà viết cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ 2 sau “Vũ điệu tử thần”. Tôi bảo chị nên làm series đi, nhưng chị Hà có vẻ bận rộn quá nhiều việc. Được so sánh cũng tốt chứ sao, càng có cái để so sánh, người ta càng nhận ra mình đang ở đâu chứ. Giờ mà có được một hiệp hội nhà văn trinh thám Việt Nam thì tôi vui lắm.

- Đang độc hành đi trên một con đường, nếu các bạn trẻ yêu văn chương không nối bước chị theo dòng văn học này thì có được coi là một thất bại của chị? 

- Là thất bại của văn chương trinh thám Việt Nam kể từ sau năm 2030 chứ (khi tôi đã ngoài 60 tuổi), chứ đâu phải là thất bại của tôi.

- Nhiều lúc tôi thấy nghi hoặc về chất lượng khi thấy “sản phẩm”… “made in Di Li” chào hàng ồ ạt, nhưng chị thì có vẻ vẫn rất bình thản và tự tin? 

- Tự tin chứ, nhà văn được cái tật (cái nết) là ai cũng tự tin cả. Không tự tin rằng thứ mình đang viết là hay thì đã chẳng ai viết. 

- Cách đây vài năm, tôi tò mò về chị qua bài viết có cái title: “Nhà văn nữ đẹp nhất Việt Nam. Chị có kiểm chứng câu nói trên bao nhiêu % là sự thật không?

- Ôi, đó là nghệ thuật giật title của giới báo chí. Tôi cũng là người viết báo nên “kinh nghiệm đầy mình”, giờ trả lời câu nào thấy có vẻ giật gân là tôi lại dặn phóng viên rằng đừng ngắt câu đó là thành title nhé. Cái câu đó là của nhà báo chứ đâu phải của tôi. Tôi chỉ có quyền can thiệp vào việc giật title những câu của tôi, còn câu bình luận thì mình đâu có được phép can thiệp. Cũng giống như khi tôi viết chân dung các nhà văn, thường đưa cho họ xem trước, và luôn dặn “bác có sửa gì thì sửa trong phạm vi thông tin cá nhân, không được sửa phần bình luận của người viết. Vì em nghĩ về bác thế nào là quyền của cá nhân em”. Tôi kiểm chứng làm gì những cái title báo chứ. 

- Theo chị, nhà văn chuyên nghiệp có phải là cứ đặt bút là có thể viết? Quan niệm của chị về 2 chữ chuyên nghiệp? 

- Đó là một trong những tiêu chí của người viết chuyên nghiệp. Có thể một lúc nào đó người viết bế tắc, nhưng anh cứ bế tắc thường xuyên hoặc bế tắc cả đời thì không thể coi anh vào hàng chuyên nghiệp được. Ngoài ra chuyên nghiệp còn nhiều yếu tố khác nữa cộng vào. Tôi thích sự chuyên nghiệp của bất kỳ nghề nghiệp nào, từ lao động chân tay đến lao động trí óc và lao động sáng tạo. Nhìn sự chuyên nghiệp là nhận ra ngày thôi mà. Ta chẳng có nghiệp vụ gì về lễ tân, phục vụ bàn nhưng cứ hễ nhìn thấy cô cậu nào trong nhà hàng, khách sạn mà lóng ngóng là biết ngay chứ.

- Nghe đâu chị có đến hơn chục truyện được dịch sang tiếng Anh rồi, nhưng số phận của những tác phẩm dịch ấy giờ ra sao rồi? 

- Cuốn “The Black Diamond” của tôi gồm 18 truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh và sẽ được công ty Phương Đông phát hành vào tháng 5 này.

- Người ta nói đời sống nội tâm của phụ nữ theo nghiệp văn chương rất đa chiều và phức tạp, nó có đúng với chị? 

- Đúng chứ, quá phức tạp là đằng khác. Càng hiểu tôi, người ta càng nhận ra tôi phức tạp. Thậm chí chính tôi cũng còn thấy tôi phức tạp đến nỗi có lúc tôi chẳng hiểu gì về tôi cả. (Cười)

- Mới đây chị còn cho ra mắt tuyển chọn thơ tình, một hướng phát triển nào khác chăng? 

- Tôi lắm đơn đặt hàng và lại hay thích thử sức với những đơn đặt hàng mới. 

- Nếu nói thẳng rằng chị tham lam và ôm nhiều mộng quá thì chị sẽ nghĩ gì?

- Nghĩ rằng họ nói đúng quá. Đấy là còn khối “giấc mộng con” tôi chưa dám chia sẻ trước công luận ấy.

- Trong nghề nghiệp chị có tài, trong đời thường chị có nhan sắc và quyến rũ, hẳn không thiếu phái mạnh “xin chết” chị vì điều đó?

- Điều đó, nếu có, thì là áp lực và ám ảnh cho tôi. Tôi sẽ nghĩ nếu mình bỏ đi một vài thứ thì sẽ không có ai muốn kết bạn với mình nữa hay sao.

- Chị có coi mình có đặc quyền được nhận sự tán dương và chiều chuộng của phái mạnh? 

- Có chứ, tôi cũng hay tán dương họ, nên họ cũng phải tán dương lại tôi cho công bằng chứ. (Cười) Có qua có lại mà! 

- Chị nghĩ bản thân mình hấp dẫn phái mạnh nhất ở điểm nào? 

- Sự mạnh mẽ và cá tính. Tôi đoán thế, chẳng biết có ai nghe câu này lại cười thầm không.

- Và gạt qua tất cả mọi ranh giới, ràng buộc; điểm nào ở một người đàn ông hấp dẫn  chị nhất?

- Cũng thế, sự mạnh mẽ và cá tính. Cá tính thực ra nó là cái sự không giống ai thôi mà. Bạn vẽ một bức tranh, sáng tác một đoạn nhạc, một bài thơ, đều phải lột tả được cá tính, phong cách riêng của bạn, để người ta nhận ra đó là bạn chứ không phải ai khác. Thực ra thì có cái câu mà bất kỳ ai trên đời đều muốn được nghe từ người thương, ấy là “Anh/Em thật khác tất cả những người khác”. Chẳng biết khác là khác cái gì, nhưng cứ thấy mình được khác thiên hạ là ai cũng sung sướng, chẳng ai báu gì cái việc cứ bị đồng hóa với những người khác. Nhưng để thoát ra khỏi sự đồng hóa là khó lắm ấy.

- Chồng chị đã bao giờ tỏ ra lo lắng khi vợ mình đẹp, tài năng, được nhiều người biết? 

- Tôi có biết đâu, nhưng lúc nào tôi cũng hô to khẩu hiệu rằng “Người đàn ông tự tin không bao giờ phải lo lắng về người phụ nữ của mình”. Chả ai dại gì nhận mình mất tự tin cả. (Cười)

- Khi viết có bao giờ chị trói cảm xúc của mình không? Còn ngoài đời thực chị đã bao giờ chị buông mình theo cảm xúc chưa?

- Cảm xúc và lý trí của tôi giống nhau. Có vẻ như lý trí của tôi sai bảo được cảm xúc, hoặc đồng hành với cảm xúc. Nên chẳng bao giờ tôi phải đấu tranh tư tưởng để trói hay buông cả. Viết và đời thực cũng đều vậy mà thôi.

- Còn cám dỗ, theo chị phụ nữ bị cám dỗ ái tình quật ngã có thoát ra được không? 

- Cái từ cám dỗ này có vẻ mờ ám. Tôi luôn hành động theo những gì mà tôi cho là đúng, và hành động theo nguyên tắc của tôi. Còn tôi rất ghét những người làm gì cứ phải đấu tranh tư tưởng. Nếu cô ta cho tất cả những gì cô ta làm là đúng, thì hãy làm theo nguyên tắc của chính mình, chứ đừng có bị “quật ngã” như cây sậy. Tôi rất ớn những người nào đó cứ làm việc gì lại vừa làm vừa run, vừa tự hỏi mình, tự hỏi người xem thế này có đúng hay sai. Hoặc muốn “thoát” khỏi một người nào đó vì biết anh ta không xứng đáng với mình nhưng lại không chạy nổi vì yếu đuối quá. Rồi hoặc là không thích nhưng vì cái gì thì có trời mới biết lại bị cuốn vào, bị “quật ngã”. Còn nếu cô ta cho mọi sự là đúng thì thoát ra để làm gì.

- Cảm ơn và chúc chị về cuộc trò chuyện này!