Nhà cũ vẫn cứ ở

ANTĐ - Ngay từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34 về cải tạo chung cư cũ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Cho đến nay, TP.HCM mới cải tạo xong 29 khối nhà, Hà Nội chỉ hoàn thành được 9 khối. Trong 110 dự án cải tạo chung cư cũ ở Thủ đô vừa được rà soát, phần lớn đang trong giai đoạn điều tra xã hội học, nghiên cứu quy hoạch, tức là vẫn nằm… trên giấy. Gần 5 năm qua, có những nguyên nhân gì khiến hầu hết các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ rơi vào tình trạng “bất động”, trong khi sự xuống cấp, nguy hiểm ngày càng trầm trọng?

Hà Nội hiện có 23 khu tập thể cũ với 983 khối nhà do thành phố quản lý và 173 khối nhà do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ bản là nhà lắp ghép. Sở Xây dựng đã rà soát 110 dự án, đề án cải tạo và đề nghị rút 3 dự án thuộc diện nhà biệt thự để bảo tồn, tôn tạo; 4 dự án đề xuất thay thế chủ đầu tư do chậm tiến độ và 2 dự án đưa về Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức đấu thầu chọn lại nhà đầu tư.

Riêng 9 dự án ở quận Hoàn Kiếm, Sở đề nghị nhà đầu tư lập hồ sơ, xin hướng dẫn quy hoạch kiến trúc, báo cáo UBND quyết định. Trong năm 2012, dự kiến có 6 dự án đã có phương án quy hoạch để triển khai. 15 dự án đã thỏa thuận quy hoạch sẽ trình phê duyệt và còn 54 dự án được yêu cầu điều ra xã hội học, đề xuất phương án quy hoạch. Có một nguyên nhân khách quan bao trùm khiến tiến độ cải tạo giậm chân tại chỗ vì đa số các chung cư đã bán cho người dân theo Nghị định 61/CP. Sở hữu chủ yếu thuộc các hộ dân nên họ không “mặn mà” trong việc sửa chữa cải tạo.

Việc cải tạo ngốn một khoản tiền không nhỏ, trong khi các chung cư đều nằm ở nội thành, các hộ không muốn đi nơi khác. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cải tạo chung cư cũ theo cơ chế xã hội hóa, tức là vừa đảm bảo tái định cư tại chỗ, vừa đảm bảo nhà đầu tư có thể khai thác dự án để tự cân đối tài chính. Chi phí cải tạo chung cư cũ được lấy từ tiền bán diện tích sàn tăng thêm ở công trình mới, sau khi đã phân bổ diện tích sàn cho các hộ dân tái định cư tại chỗ. Mâu thuẫn “đẻ ra” chính từ đây. Chủ dự án được tăng mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng, hệ số sử dụng đất, thế nhưng lại “đụng” quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, khu vực đô thị lõi phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người, công trình xây dựng cũng bị khống chế số tầng, chiều cao. Vì thế, hầu hết các dự án đều bất khả thi, các chủ đầu tư, doanh nghiệp chẳng còn “thiết tha, mặn mà”. Hơn thế nữa, những dự án đang trong quá trình thỏa thuận quy hoạch, hoàn tất thủ tục quản lý đầu tư, thủ tục đất đai… lại chính là giai đoạn nhiều rắc rối, phức tạp nhất. Có nơi, có lúc dân chung cư đòi quyền lợi vượt cả quy định chung của thành phố, lại có nơi yêu cầu tự tìm nhà đầu tư. Ngổn ngang khó khăn khi cải tạo chung cư cũ là hậu quả tích tụ của tình trạng buông lỏng quản lý để các hộ dân lấn chiếm đất lưu không xây nhà, cửa hàng tràn lan. Khi cải tạo, người dân không chấp nhận phương án bồi thường, không chịu di dời.

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ nghị định về cải tạo xây dựng chung cư cũ theo một lộ trình rõ ràng. Cần có sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của Bộ, mà còn của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Nhà cũ nát, nguy hiểm không thể cứ cố ở, cố “bám trụ” mãi.