Nguyễn Văn Thọ - người mau nước mắt

ANTĐ - Chẳng bao giờ nghĩ mình đã già, luôn tin, luôn yêu một cách cực đoan để rồi bị tổn thương hoặc đôi khi tự làm tổn thương mình và ngồi nức nở… Nguyễn Văn Thọ là thế, hồn nhiên yêu, hồn nhiên rưng rưng và rất có thể sẽ bất chợt bật khóc ngon lành như một đứa trẻ…

Ba mươi năm vẫn ám mùi thuốc súng

 Chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm lẻ nhưng với Nguyễn Văn Thọ dường như nó chỉ được ngăn cách bởi một bức rèm. Bất kỳ khi nào, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng làm cho bức rèm ấy xao động, và cái ngăn ký ức với những chuyện khóc cười lại chực chờ run rẩy. Điều khiến cho nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên là cho đến bây giờ Nguyễn Văn Thọ vẫn nhớ rõ tên và chủng loại rất nhiều loại vũ khí cũng như tính năng binh khí xạ kích của chúng. Với sự trực tính của mình, trong cuộc tọa đàm về một cuốn sách viết về chiến tranh ông đã thẳng thắn nói đến sự nhầm lẫn về vũ khí trong cuốn sách. Với người khác có thể những điều đó chỉ là tiểu tiết, nhưng với Nguyễn Văn Thọ thì ngay cả những chi tiết nhỏ cũng cần tôn trọng.

Nguyễn Văn Thọ rất trọng và yêu mến những tác giả đã một thời là lính. Và cái vốn chiến trường mười một năm ròng với ông luôn là tài sản với những kỷ niệm còn tươi nguyên. Dù cuộc sống có những điều chưa suôn sẻ, dù trải qua những thăng trầm thì khoảng đời lính trận mạc trong ông vẫn được dành cho một ngăn trang trọng, như một góc ký ức trong suốt và ngời sáng. Bất cứ khi nào, ở đâu, khi nhắc đến quãng đời lính chiến những năm gian khổ ở Tây Nguyên là Nguyễn Văn Thọ linh hoạt hẳn lên, đôi mắt rực lửa nhiệt tình như chàng trai thuở đôi mươi sẵn sàng khoác ba lô ra trận vậy.

Hồn nhiên như con trẻ

Không như nhiều nhà văn có tuổi khác chỉ quan hệ và thân thiết với những người cùng thế hệ, Nguyễn Văn Thọ có kiểu xã giao “xuyên thấm”. Ông thân thiết với rất nhiều người viết trẻ và mặc nhiên coi họ như những người bạn bình đẳng. Thi thoảng nghe ông khen ngợi cô bạn này, trách móc cô bạn kia rất dễ thương như thể họ đều cùng trang cùng lứa trong khi các cô bạn này có thể xếp vào hàng… con cháu.

Chơi với ai Nguyễn Văn Thọ cũng nhiệt tình, hết lòng với người đó, nhiều khi sự nhiệt tình đến thái quá, đến mức người được quan tâm cảm thấy ngại ngần. Ông đang nhiệt tình mà gặp phải sự thờ ơ, hay chỉ cần tỏ ra chừng mực một chút thôi là ông sẽ giận, sẽ tự ái. Tự ái vặt thì vài bữa là ông quên, nhưng nếu là lỗi lớn, phạm vào tự trọng là ông… cạch mặt không thèm chơi nữa.

Nguyễn Văn Thọ nhiều khi  “tí tởn” như một chàng trai mới lớn. Ít thấy ông ngồi yên bao giờ. Nếu “chẳng may” phải tham dự một sự kiện, một buổi gặp mặt thì nếu không thấy ông giương máy ảnh bấm tí tách cũng thấy ông xoay người “nói chuyện riêng” với ai đó, dù đã ý thức mình đang mất trật tự nên đã cố thì thào thì âm lượng vẫn rất to với chất giọng hào sảng, làm xôn xao cả một góc. Nếu được mời phát biểu thì giọng điệu của ông lúc nào cũng phừng phừng như thể đang gửi thông điệp sẵn sàng cãi nhau với thiên hạ, mà có cãi nhau thật thì cũng đừng hòng ông chịu thua. Nên chớ có dại mà đăng đàn đấu khẩu với Nguyễn Văn Thọ.

Trong Nguyễn Văn Thọ dường như không có ý niệm về tuổi tác. Có lần ông khoe với tôi rằng ông đang viết tiểu thuyết thứ hai, tôi cũng buột miệng bảo “em cũng đang viết cuốn mới”, thế là ông bảo, “hai thằng mình viết thi xem thằng nào viết xong trước” cứ như là bằng vai phải lứa vậy. Như nhiều văn nghệ sĩ khác, thường không quan tâm đến tuổi tác của mình (hoặc sợ phải đối diện với tuổi tác) không mấy khi ông phân ngôi thứ với người tiếp xúc theo sự chênh lệch tuổi, cách xưng hô mà ông quen dùng thường là “anh - em”. Còn người khác gọi ông thế nào thì đó là… việc của thiên hạ.

Khóc không phải vì yếu đuối

Đàn ông thường có xu hướng giấu đi những giọt nước mắt của mình. Họ không muốn người khác nhìn thấy mình khóc. Nhưng Nguyễn Văn Thọ thì khác. Có lẽ cũng bởi là đàn ông nhưng ông lại trót là… nhà văn nên cái sự đa cảm cũng là lẽ thường.

Không hiểu ông có khóc một mình nhiều không, nhưng khóc với người khác thì không ít. Các bạn văn và những người thân thiết có lẽ ai cũng đã được chứng kiến Nguyễn Văn Thọ khóc ít nhất một lần. Nếu là những nhà văn đã có những tháng ngày chiến trận, đã từng một thời áo lính thì tỷ lệ ấy sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Không hiểu quãng thời gian xa xứ ông có khóc nhiều không, không hiểu trước những biến cố trong cuộc đời, những chấn động trong tình cảm có khiến ông rơi nước mắt, còn những gì khiến ông khóc thì tưởng như rất cỏn con vụn vặt. Ông có thể khóc tự nhiên ngay trước mặt người đối thoại, nước mắt lã chã buông rơi dù đang ngồi bên một cô gái trẻ, bên một bạn văn già, hay bên một người mới gặp. Ông có thể khóc cho dù câu chuyện đang dang dở là gì chăng nữa, khiến cho kẻ ngồi bên lúng túng.

 Có lần tôi chất vấn Nguyễn Văn Thọ về cái sự hay khóc, ông bảo, “thực ra nước mắt là sự trực cảm ở một vấn đề nào đó, với mình luôn là chuyện tình cảnh, là sự đối thoại của tâm hồn giữa thiện và ác trong các mối quan hệ giữa con người”. Tôi cũng hiểu, những giọt nước mắt của Nguyễn Văn Thọ không phải là thứ hàm chứa sự hèn nhát, đầu hàng trước số phận hay thể hiện sự yếu đuối bất lực trước khó khăn, bởi đó là nước mắt của một nhà văn... Nguyễn Văn Thọ từng có một truyện ngắn nhan đề “Tiếng khóc” vốn được viết từ một kỷ niệm có thật của ông. Truyện đã in trang nhất báo Văn nghệ vài năm trước, và nếu như ai đã từng đọc nó thì sẽ thấy, lúc này người khóc sẽ là bạn đọc chứ chẳng phải là tác giả.