Nguy kịch vì chế biến thịt lợn bệnh

ANTĐ - Nhiều người lầm tưởng chỉ ăn tiết canh lợn tươi sống mới mắc liên cầu khuẩn song trên thực tế, 50% số bệnh nhân nhập viện vì bệnh nguy hiểm này không hề ăn tiết canh trước đó. Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn bị nhiễm liên cầu lợn trong tình trạng nguy kịch…

Người chăn nuôi, giết mổ, thường xuyên tiếp xúc với lợn bệnh có nguy cơ cao mắc liên cầu

Không ăn tiết canh vẫn mắc

Nam bệnh nhân nói trên sinh năm 1964, được chuyển đến từ An Giang trong tình trạng sốt cao, rối loạn tri giác, khó thở... Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não mủ, nhưng qua khai thác được biết bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn nên đã nghi người này bị nhiễm liên cầu lợn.

Các xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis gây bệnh liên cầu lợn. Khai thác từ bệnh nhân và người nhà được biết, bệnh nhân đã sốt cao 3 ngày, sau đó vào bệnh viện địa phương nhưng bệnh tiến triển nặng nên đã được chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Được biết, bệnh nhân này trước khi nhập viện không hề ăn tiết canh lợn. 

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 bệnh nhân vào điều trị do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trong đó, có không ít trường hợp nguy kịch, bị biến chứng rối loạn tri giác, hoại tử tứ chi phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong. 

“Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ ăn tiết canh thì mới mắc liên cầu lợn nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Qua khai thác tiền sử bệnh của các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chúng tôi thấy, có từ 40-60% bệnh nhân trước đó có ăn thực phẩm chế biến từ thịt lợn, đặc biệt là tiết canh. Số còn lại dù không ăn thịt lợn hay tiết canh nhưng là những người tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn tươi sống, đặc biệt là người chăn nuôi lợn, có tham gia giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Đặc biệt, bệnh viện cũng từng tiếp nhận những trường hợp không hề ăn, không hề tiếp xúc với lợn, sản phẩm chế biến từ lợn trước đó nhưng vẫn mắc bệnh” – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Chi phí điều trị rất tốn kém

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, người có nguy cơ cao nhiễm liên cầu khuẩn lợn là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lợn mang bệnh hoặc ăn thịt lợn mắc bệnh chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh… Sau khi mắc, bệnh sẽ ủ trong vài giờ hoặc vài ngày, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì độc lực của vi khuẩn càng mạnh. Biểu hiện khởi phát của bệnh là sốt, nổi ban, đau họng, nhức đầu, ói mửa. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não mủ (cứng cổ, sợ ánh sáng, sốt cao, rối loạn hành vi); nhiễm trùng huyết, nhiễm độc, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc… 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn thường phải trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Số tiền điều trị nhiều hay ít phụ thuộc vào tình trạng bệnh và các biến chứng kèm theo. Chẳng hạn, bệnh nhân bị liên cầu khuẩn biến chứng viêm màng não mủ có thể phải điều trị mất vài chục triệu đồng. Nặng hơn, nếu bị nhiễm trùng huyết thì chi phí điều trị có thể lên tới 50 - 60 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. 

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lên tới 7%. Nếu điều trị muộn, tỷ lệ tử vong càng cao. Những người bị mắc bệnh tử vong còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Để phòng chống bệnh nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên ăn bất kỳ một loại tiết canh nào, không ăn thịt lợn chưa nấu chín để phòng các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh do liên cầu lợn. Khi có biểu hiện sốt cao (40 - 41oC), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở… thì nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.