Nguy cơ từ hàng quán bán khuya

ANTĐ - Do không được xử lý dứt điểm nên hiện nay, tình trạng nhiều hàng quán có dấu hiệu mở cửa quá giờ đang diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến phố.

Ảnh chụp lúc 24h trên hầm đường bộ Đại Cồ Việt

23h30 ngày 26-7, chúng tôi qua một số tuyến phố mà hàng quán thường xuyên có biểu hiện vi phạm về mở cửa quá giờ quy định như dãy quán ốc phố Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của; Đê La Thành - Giảng Võ; cạnh cửa hầm chui Đại Cồ Việt; rượu mực ở ngã tư phố Hàng Bồ - Hàng Đào; Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục... chỗ nào cũng náo nhiệt khách ăn uống. Khi thấy bóng dáng của lực lượng công an, cả chủ lẫn khách nháo nhác thu dọn bàn ghế, thế nhưng tình cảnh đâu lại vào đấy khi lực lượng chức năng đi khỏi.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ án mà nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn, va chạm trong khi ngồi ăn uống ở các quán hàng bán đêm, các đối tượng đã dùng vũ khí “nóng”, “lạnh” để xử lý mâu thuẫn.

Theo Trung tá Ngô Thọ Hưng - Phòng Cảnh sát trật tự, CATP Hà Nội, đối tượng thường xuyên đi chơi đêm thường thuộc nhiều thành phần phức tạp trong đó có một bộ phận thanh niên hư hỏng và cả những đối tượng tội phạm, chính vì thế hàng quán bán quá giờ là điểm đến lý tưởng của các đối tượng này, càng làm tăng nguy gây bất ổn về ANTT phức tạp thêm tình hình tại địa bàn. Vào quán thêm chén rượu, cốc bia đưa đẩy, sẵn có hơi men trong người, chỉ một va chạm nhỏ, xích mích không đáng có, thì nguy cơ những đối tượng này dùng hung khí để “nói chuyện” với nhau là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hàng quán bán khuya tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT tại địa bàn

(Ảnh chụp lúc 3h sáng 27-7 tại quán phở đầu đường Tây Sơn )

Theo Quyết định 20-46 của UBND thành phố, toàn Hà Nội có 65 tuyến phố cấm để phương tiện và kinh doanh buôn bán sau 24h, tuy nhiên số liệu từ Phòng CSTT cho thấy, trong nội thành có đến trên 100 điểm và tụ điểm chuyên kinh doanh buôn bán quá giờ, tình trạng vi phạm và tái diễn vi phạm quy định bán quá giờ đang ngày càng phổ biến hơn.

Điều 15, khoản 5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng hè lề đường kinh doanh dịch vụ ăn uống... Chế tài xử phạt đã tăng, nhưng lại không xử phạt được vì đứng ở mức quá cao không sát với thực tế, những cá nhân vi phạm đều bỏ lại tang vật, kiên quyết không lên trụ sở công an phường để ký biên bản vi phạm. Sau đó những hộ vi phạm vẫn tái diễn vi phạm.

Trung tá Nguyễn Văn Khoát - Trưởng CAP Văn Chương cho biết, muốn giải quyết triệt để tình trạng hàng quán bán quá giờ cần sự phối hợp giữa các lực lượng công an, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể, một trong những giải pháp cần thiết là phải duy trì các chốt tuần tra, kiểm tra ở các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm. Đồng thời cần điều chỉnh mức xử phạt sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, để người vi phạm có thể nộp phạt