Người vợ ở quê

ANTĐ - Vừa ủ xong nồi cơm, bà đã nghe tiếng trẻ con gọi tíu tít ở ngoài sân. Thì ra lũ cháu nội ngoại đến gọi bà ra đón ông. Ông từ Hà Nội về. Ông vừa được nhận giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật gì đó. Ông theo đoàn làm phim về. Họ muốn quay cảnh quê hương ông, cảnh gia đình ông.

“Đây, bà nhà tôi đây. Hậu phương vững chắc của tôi đây. Năm 50 thế kỷ trước bà ấy tiễn tôi tới con đê kia để tôi ra vùng tự do đi bộ đội”.

Ông đứng giữa đoàn làm phim, ôm vai bà, nói cười chân thật, hể hả. Cao lớn, oai vệ trong quân phục đại tá, đứng cạnh ông, bà bé xíu, khép nép và lúng túng quá. Nhất hạng là lúc ông giục bà vào nhà lấy cái  áo vét tím than ông may năm ngoái cho bà mặc để đoàn làm phim bấm máy. Cái máy quay phim kêu xè xè, chõ ống kính liên tục vào bà. Thôi thì đủ cảnh do họ sắp đặt ra. Trong các cảnh thì cảnh hơn năm chục năm nay bà vẫn một thân một mình quạnh quẽ trong căn bếp và lửa vẫn cháy đượm ngày qua ngày là thật nhất. Cũng thật nữa là cái cảnh sau khi quay phim xong, ông ngó vào bếp, nói: “Thôi, bà ở nhà với các cháu nhé, tôi đi đây!”.  

Ông anh tôi là vị đại tá nọ. Ông rời quê hương, xa vợ con tự bấy đến nay đã hơn năm mươi năm. Hơn năm mươi năm, giờ về hưu rồi ông vẫn sống một mình ở Hà Nội. Ông không xa Hà Nội được. Ở đó ông còn bạn bè, công việc và nếp sống quen thuộc. Còn bà? Đã mấy lần ông sửa nhà, đón bà ra ở cùng, nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng bà lại nằng nặc đòi về. Thì ra vậy, ở làng quê bà có bạn bè, con cháu và công việc của mình.  

Hai người hai ngả cách chia  mà chẳng hề nghề ngà trách oán gì nhau.   Xa cách nhau mà ngày ngày vẫn dõi theo bóng hình nhau. Xa cách nhau mà vẫn gần cận nhau từ trong tâm hồn, từ trong yêu thương, từ trong linh cảm sâu sa. 

Hăm ba tháng chạp năm rồi, ngày ông Táo chầu giời tôi phóng xe đến ông anh tôi, định rủ ông năm nay cùng về quê ăn Têt. Đến nơi, thấy cửa khóa trái. Hỏi thăm người hàng xóm thì kinh hoảng vì được biết, ông anh tôi vừa đi nằm viện.

- Bà ấy lên thăm ông buổi sáng thì buổi chiều ông ấy kêu đau ngực. Thế là bà vội đưa ông đi bệnh viện. May, bị nhồi máu cơ tim, nhưng đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua khỏi rồi!

Nhìn mặt tôi tái mét trong cơn run rẩy, người hàng xóm tiếp:

- Lạ thế đấy. Đây là lần thứ ba bà ấy lên đưa ông ấy đi cấp cứu rồi. Hai lần trước thì một lần bị xuất huyết dạ dày, một lần bị ngã xe. Bà ấy bảo: Không hiểu sao, đang ở nhà, bỗng thấy nóng ruột quá, thế là một mình ra bến xe, mua vé lên với ông. Cả ba lần đều như thế cả!