Người Việt "sính" tác phẩm ngoại ở không gian công cộng

ANTĐ - Từ nhiều năm nay, việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật sao chép của nước ngoài ở khuôn viên trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng diễn ra tràn lan. Thói quen sử dụng “hàng chùa”của người Việt đã nhấn chìm cơ hội tỏa sáng của các nhà điêu khắc, các nghệ sỹ tài năng. 

Người Việt "sính" tác phẩm ngoại ở không gian công cộng ảnh 1Đàn ngựa đặt phía trên cổng vào khu đô thị Ciputra

Tràn lan biểu tượng ngoại lai

Cùng với tốc độ xuất hiện nhanh chóng của các tòa nhà, khu đô thị là nhu cầu sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để trang trí và làm đẹp cho không gian công trình. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, mỗi khi nhắc tới vấn đề này, nhiều kiến trúc sư, các nhà điêu khắc không khỏi chạnh lòng. Các khu đô thị đang khoác lên mình một diện mạo hiện đại, hoành tráng nhưng ở không gian công cộng dành cho người sử dụng, các mẫu biểu tượng ngoại lai như sư tử, tỳ hưu, hổ đá vẫn án ngữ trước cửa các công trình. Còn tác phẩm nghệ thuật sử dụng trong không gian tiện ích cũng đích thị được “bê” từ nước ngoài về. Tại khu đô thị Ciputra, đàn ngựa dũng mãnh được đặt phía trên cổng vào, nhìn từ xa lại giống như... đàn sói. Dàn tượng mẫu Phục hưng, cổ điển trong không gian khu đô thị Royal City cũng lấy mẫu từ nước ngoài, lắp đặt một cách cứng nhắc và không phù hợp. 

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá: “Các tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc chiếm lĩnh không gian ngoài trời ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng sử dụng mẫu mã nước ngoài, đáng tiếc có nhiều hiện vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục vẫn xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi”. Một công trình đẹp sẽ càng đẹp hơn nếu sử dụng các tác phẩm điêu khắc, tượng đài, các tác phẩm mỹ thuật mang tính trang trí hài hòa với cảnh quan chung.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, người Việt ít chú ý đến vai trò của các tác phẩm mỹ thuật trong không gian công cộng mà mới chỉ tập trung cho việc xây dựng các công trình bề thế. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, các biểu tượng kiến trúc luôn được chú trọng và trở thành thành tố hòa quyện với không gian đô thị. Vì vậy, ở Việt Nam, càng nhiều công trình mọc lên thì bức tranh về việc sử dụng các biểu trưng kiến trúc của khu chung cư, các khu đô thị lại càng lộn xộn, rườm rà.

Trông chờ vào ý thức của chủ đầu tư

Dù đã có những góp ý từ phía các nhà chuyên môn nhưng việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật cho một tòa nhà, một trụ sở làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chủ đầu tư. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã làm một phép tính so sánh việc sao chép một phiên bản nước ngoài và việc sử dụng một tác phẩm do các nhà điêu khắc Việt Nam sáng tác, hoàn toàn không chênh lệch nhau về công đoạn thi công. Tác phẩm nào cũng phải đục đẽo, gò hàn, hoặc đúc đồng nhưng do thói quen sử dụng “hàng chùa” của người Việt đã dẫn đến việc các chủ đầu tư có xu hướng sử dụng các mẫu phiên bản nước ngoài nhiều hơn, vừa không phải trả tiền tác quyền lại ít chịu sức ép dư luận. Bởi từ trước tới nay, các công trình nghệ thuật Việt Nam luôn chịu “lời ra tiếng vào”, chê bai đủ kiểu trước khi được chấp nhận, cũng khiến không ít các tác giả và đơn vị thi công nản lòng. 

Việt Nam không thiếu người tài và càng không thiếu các tác phẩm đẹp. Thế nhưng, chỉ trừ các trại sáng tác điêu khắc, tác phẩm được sử dụng trực tiếp tại không gian đã định, còn lại, các tác phẩm khác nếu muốn được phóng tác trong thực tế thì trải qua nhiều công đoạn rườm rà khiến cho các nhà điêu khắc ngần ngại trong việc kết hợp với chủ đầu tư. Nguyên nhân từ cả hai phía như vậy, nên trong suốt nhiều năm qua, các không gian công cộng của đô thị vẫn không ngừng xuất hiện các tác phẩm nghệ thuật không phù hợp với cảnh quan chung và các linh vật ngoại lai vẫn chễm chệ án ngữ lối ra vào các tòa nhà, các khu chung cư.

Trong bối cảnh nền thị trường mỹ thuật chưa hình thành thì để thay đổi được thực trạng này, chỉ còn biết trông chờ vào ý thức của các chủ đầu tư  trong việc quyết định sử dụng tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế, chỉ khi nào thị trường mỹ thuật Việt Nam hình thành và việc trích kinh phí đầu tư trở thành nghĩa vụ với chủ đầu tư, được quy định cụ thể trong luật, khi ấy, nghệ sỹ mới có cơ hội mang các tác phẩm bước ra không gian công cộng.