Người Việt có xu hướng thắt chặt chi tiêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đa số người tiêu dùng quan tâm đến các chương trình khuyến mại, giảm giá hàng hóa, ưu tiên chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Mua sắm online trở thành sở thích của nhiều người tiêu dùng

Mua sắm online trở thành sở thích của nhiều người tiêu dùng

Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc vừa phát hành báo cáo “Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng” năm 2022. Báo cáo cho thấy, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt là xu hướng nổi bật nhất.

Báo cáo này đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất mà người Việt quan tâm trong năm 2022, bao gồm: Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; Cao cấp hóa; Dịch chuyển số, mua sắm trực tuyến; Nâng cao trải nghiệm, giá trị sống.

Theo đó, có tới 47% người dùng Cốc Cốc chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Nguyên nhân được đưa ra là do tiết kiệm thời gian mua bán, tiện lợi trong việc thanh toán và có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp.

Bên cạnh đó, thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các app thương mại điện tử. Có đến 55% người dùng trả lời rằng họ đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo … Số còn lại cho biết họ mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội (chiếm 24%) hoặc cả hai (21%).

Theo báo cáo này, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch, xu hướng cao cấp hóa đã trở thành một trong những xu hướng được người Việt thể hiện rõ ngay từ trong nhu cầu cơ bản nhất: ăn và ở.

Cụ thể người dùng mạnh tay chi tiêu cho các loại hình lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp trong mùa du lịch. Lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng mạnh.

Xu hướng tìm kiếm của người sử dụng Cốc Cốc cũng cho thấy, tất cả nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu mua sắm đầy đủ đồ gia dụng, hoàn thiện nội thất ngay khi sở hữu căn nhà mới. Điều này thể hiện xu hướng người dùng Việt ngày càng chú trọng chất lượng sống.

Bên cạnh đó, đối với những ngành hàng như: Chăm sóc sắc đẹp và giáo dục, giá cả không phải là điều được người dùng ưu tiên khi so sánh với trải nghiệm và giá trị. “Top” những tiêu chí được người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ quan tâm khi mua sắm là công dụng, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rồi mới tới giá cả.

Đáng chú ý, xu hướng tìm kiếm của người dùng thể hiện xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu. Trong bối cảnh Tết Nguyên Đán Quý Mão đang tới gần, người Việt có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại. Số người dùng còn lại thì quan tâm tới sản phẩm đa dạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và trải nghiệm khi mua sắm.