Người ủng hộ từ thiện có thể khởi kiện đòi tiền nghệ sỹ cố tình "om" tiền từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ việc NSƯT Hoài Linh bị cộng đồng mạng “chất vấn” về số tiền hơn 14 tỷ đồng mà nghệ sĩ này kêu gọi đóng góp giúp đỡ đồng bào miền Trung trong năm 2020, nhiều người dân đặt câu hỏi: Việc một cá nhân giữ số tiền từ thiện hơn 6 tháng trong tài khoản cá nhân có đúng quy định?

Phản hồi về những thắc mắc của cư dân mạng, mới đây, nghệ sĩ Hoài Linh đã cho biết, số tiền quyên góp được là hơn 14 tỷ đồng, thời gian tới khi trao số tiền này sẽ có đầy đủ chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện đến trao để công khai với khán giả. Nguyên nhân khiến việc trao tiền từ thiện bị chậm trễ là do dịch Covid-19 tái bùng phát nên phải hoãn lại kế hoạch.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 7 Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra. Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp;

Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.

Hình ảnh trao quà từ thiện tại những nơi xảy ra thiên tai bão lũ đã diễn ra khá phổ biến (ảnh minh họa)

Hình ảnh trao quà từ thiện tại những nơi xảy ra thiên tai bão lũ đã diễn ra khá phổ biến (ảnh minh họa)

Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này. Riêng cứu trợ phục hồi và tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm.

Đối chiếu quy định trên, việc phân phối tiền, hàng cứu trợ là không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp. Tuy vậy, Nghị định này cũng nêu rõ, đối tượng điều chỉnh là các tổ chức, chứ không phải cá nhân. Nghĩa là chỉ các tổ chức (Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội…) mới được kêu gọi vận động góp tiền hàng cứu trợ.

Về chế tài xử lý, điều 21 Nghị định này quy định về việc khen thường và xử lý vi phạm, trong đó nêu rõ, nếu các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thời gian qua việc các nghệ sỹ nổi tiếng đứng ra kêu gọi từ thiện diễn ra khá phổ biến và trên thực tế số tiền không ít nghệ sỹ kêu gọi được là con số “khủng”, lên tới nhiều tỷ đồng.

Hầu hết những nhà hảo tâm khi chuyển tiền cho nghệ sỹ - những người trung gian làm từ thiện đều mong muốn quà, tiền của họ được chuyển tới đồng bào, những nơi khó khăn một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.

Do vậy, việc một số cá nhân chậm trễ trong việc trao quà từ thiện song cũng không thông báo trên phương tiện truyền thông cho người ủng hộ được biết là vi phạm thỏa thuận với họ. Những người này có quyền khởi kiện để đòi số tiền này và yêu cầu kèm theo lãi suất, hoặc yêu cầu chuyển số tiền từ thiện kèm theo lãi suất cho cơ quan chức năng khác để làm từ thiện.

"Trường hợp cá nhân trung gian đứng ra nhận tiền từ thiện cố tình giữ số tiền này vì mục đích tư lợi cá nhân để chiếm đoạt thì nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.