Người từng sống 2 năm trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc

ANTĐ - Có mặt tại Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền của Việt Nam”, chúng tôi đã gặp gỡ Đại tá Trần Quân Bảo (sinh năm 1934), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, người đã cùng gia đình sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trong hai năm 1939 - 1940. 

Đại tá Trần Quân Bảo 

Bức ảnh quý giá chụp gia đình ông tại đảo Hoàng Sa đã được trưng bày trong buổi triển lãm rất có ý nghĩa này. Ở tuổi 80, Đại tá Trần Quân Bảo vẫn vô cùng minh mẫn, ông kể vẹn nguyên từng kỷ niệm tại đảo Hoàng Sa hơn 70 năm về trước.

- PV:  Thưa Đại tá, nguyên nhân nào đã khiến ông cùng gia đình đã có khoảng thời gian sinh sống tại Hoàng Sa hơn 7 thập kỷ về trước?

- Đại tá Trần Quân Bảo: Cha tôi là Trần Văn Phước, là cán bộ chuyên môn kỹ thuật về vô tuyến điện. Cuối năm 1938, ông được chính quyền bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm Trưởng trạm vô tuyến điện thuộc quần đảo Hoàng Sa, lúc bấy giờ gọi là đảo Paracels. Cả gia đình gồm mẹ, tôi và 2 người em khi đó đã theo cha ra sống và làm việc tại Hoàng Sa. 

- Trong trí nhớ của ông thì hình ảnh Hoàng Sa lúc bấy giờ như thế nào? 

- Trước khi gia đình tôi ra Hoàng Sa vào năm 1939, ở trên đảo đã có rất nhiều người Việt Nam sống và làm việc. Lúc ấy đảo có rất nhiều công trình, chẳng hạn như lúc Pháp đã xây dựng xong trạm khí tượng và trạm vô tuyến điện, có cả hải đăng nữa. Nhà cửa cũng rất kiên cố. Như vậy có thể khẳng định Hoàng Sa của những năm 1939-1940 ở thế kỷ trước đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã có người Việt Nam sinh sống tại đó rồi. 

Ảnh gia đình ông Trần Quân Bảo chụp tại Hoàng Sa khoảng năm 1939-1940

- Vậy có ký ức nào đặc biệt ông còn nhớ về Hoàng Sa thời kỳ ấy không?

- Khi nhìn những bức ảnh chụp Hoàng Sa được trưng bày trong triển lãm, tôi hết sức xúc động. Tôi nhớ hình ảnh ngọn hải đăng, hai cột ăng ten vô tuyến điện cao vút, rồi cả những chuyện đi đào trứng con vích trong hố cát, đi bắt ốc tai tượng, cả những con ốc hương nhiều màu sắc… Lúc ấy tôi mới chỉ 5,6 tuổi, nhưng rất nhớ tình cảm thân thiết của mọi người, cộng đồng người Việt Nam tại Hoàng Sa, ở nơi đảo xa, nhiều nắng, gió, cát. 

- Xin cảm ơn ông!