Nông dân vẫn chưa thực sự vui vì xuất khẩu gạo nhiều
Khó có lãi 30% như chỉ đạo
Thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối tháng 2-2013, lượng gạo xuất khẩu cả nước đạt gần 580.000 tấn, trị giá hơn 258 triệu USD. Trong khi đó, năm 2012, hai tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu đã đạt 756.000 tấn, thu về 437 triệu USD. Xuất khẩu gạo được nhận định là khó khăn trong năm 2013 với nhiều cạnh tranh từ các nước tham gia xuất khẩu gạo. Đặc biệt, nếu như trước kia Việt Nam giành ưu thế về xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình, thấp thì vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo cũng đã chú trọng tới mặt hàng này. Xuất khẩu gạo gặp khó, người trồng lúa càng khó khăn hơn khi thời vụ thu hoạch vụ Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chấm dứt. Lúa chất đầy đồng nhưng giá thu mua thấp. Từ ngày 20-2, VFA đã triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tại khu vực này theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, giá thu mua lúa gạo tại đây không biến động nhiều. Nông dân vẫn khó có thể đảm bảo mức lãi tối thiểu 30% theo chỉ đạo. Thu nhập từ trồng lúa của nông dân ở mức dưới thu nhập thấp.
Giá lúa năm nay so với cùng kỳ thấp hơn từ 500-600 đồng/kg. Giá lúa tươi mà thương lái mua tại ruộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ còn ở mức 4.200 - 4.500 đồng/kg, giảm 200 đồng so với đầu vụ và giảm 400 - 500 đồng so với vụ đông xuân năm ngoái.
Tính toán cho thấy, hiện giá thành hạt lúa mà nông dân làm ra từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Nếu bán giá lúa như hiện nay thì nông dân khó có lãi được 30%, bởi giá định hướng sản xuất do Bộ Tài chính tính toán chỉ là 3.661 đồng/kg. Bởi vậy, muốn người nông dân có lãi 30% thì giá thu mua lúa tại ruộng phải từ 4.700 đồng/kg trở nên.
Nông dân trồng lúa thu nhập dưới mức nghèo
Theo lý giải của nhiều thương lái, vào thời điểm này họ hạn chế thu mua lúa trong dân vì phải “ngóng” động tĩnh xem giá cả doanh nghiệp xuất khẩu mua vào theo chương trình tạm trữ như thế nào. Giá hướng dẫn gạo xuất khẩu của VFA có hiệu lực từ 6-2, gạo loại 5% tấm là 410 USD/tấn/FOB, loại 35% tấm là 365 USD/tấn/FOB, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, theo một chuyên gia lúa gạo, chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định.
Năm 2012 cả nước xuất khẩu được trên 7,7 triệu tấn gạo nhưng chỉ thu về 3,5 tỉ USD. Tại ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa. Nếu tính quy mô trung bình một hộ 4,4 nhân khẩu, có 30% lợi nhuận từ làm lúa giữ lại, thì bình quân là 3,8 triệu đồng/người/năm (khoảng 230 USD/người/năm) hoặc 316.250 đồng/người/tháng, dưới cả ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng. Trong khi thực tế, thu nhập của nông dân trồng lúa ở đây có thời điểm còn thấp hơn như vụ Đông Xuân năm nay. Theo tính toán của Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, với giá lúa như hiện nay, một gia đình có 4 nhân khẩu, canh tác 1ha lúa thì thu nhập chỉ khoảng 250.000 đồng/tháng, trong khi, chuẩn hộ nghèo là 400.000 đồng/tháng.
Thực trạng nhiều năm nay cho thấy, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu đều tăng qua từng năm, nhưng giá trị lại không tăng tương ứng nên nông dân trồng lúa không giàu lên được. Năm 2012, Việt Nam đã đạt kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu sau 20 năm gia nhập thị trường này. Nhưng, thu nhập của nông dân trồng lúa tính ra vẫn ở mức nghèo. Dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng giá gạo Việt Nam đến nay vẫn thấp nhất thế giới, thấp hơn cả Ấn Độ, Pakistan. Hiện tại, giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 410 USD /tấn, thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan là 135 USD/tấn. Câu hỏi đặt ra, xuất nhiều thực sự có lợi? Cũng 20 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo nhưng chưa có một chiến lược dài hơi vẫn theo kiểu manh mún, phụ thuộc vào thị trường, nay đây mai đó, thiệt hại, khó khăn đẩy về phần nông dân.