Người tiêu dùng: Lơ mơ quyền lợi

ANTĐ - Biết rõ bên bán hàng có sai sót trong khâu thanh toán hoặc bán sản phẩm không đạt chất lượng như công bố nhưng không ít người tiêu dùng im lặng trong “cay cú”. 

Người tiêu dùng: Lơ mơ quyền lợi ảnh 1
Người tiêu dùng khó tự bảo vệ mình nếu chưa được sự quan tâm đúng mức
 từ các doanh nghiệp bán hàng. (ảnh minh họa)

Nuốt giận làm ngơ

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Miên (ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm). Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Miên đến siêu thị F trên đường Lê Đức Thọ mua đồ dùng cho gia đình. Chị Miên chọn túi bột giặt Omo dùng cho máy giặt cửa trên có giá 185.000 đồng in trên bao bì. Tuy nhiên, khi về nhà xem lại hóa đơn của siêu thị, chị mới biết túi bột giặt được ghi trong hóa đơn là “Cửa T” với giá 196.000 đồng. “Lựa chọn mãi tưởng rẻ được vài nghìn đồng. Tại siêu thị mình không kiểm tra, về nhà rồi đi thắc mắc đòi 11.000 đồng mất công, mệt người mà chưa chắc đã thu được kết quả. Nhưng nghĩ vẫn ấm ức” - chị Miên cho hay.

Cùng chung nỗi bức xúc này, anh Tuấn (ở Chùa Láng, Đống Đa) kể: “Tôi mua đồ tại siêu thị B trên đường Trần Duy Hưng. Lúc thanh toán tại siêu thị tôi không kiểm tra vì khách đông, về nhà phát hiện 1 sản phẩm bị tính tiền 2 lần. Vì giá trị sản phẩm chỉ có 79.000 đồng nên tôi cũng chẳng quay lại siêu thị để khiếu nại”. Không chỉ anh Tuấn, một số khách hàng của siêu thị này cũng phản ánh bị tính tiền 2 sản phẩm cùng loại, trong khi họ chỉ mua 1. Họ thắc mắc về hệ thống máy tính tiền của siêu thị nhưng không có phản hồi.

“Tình ngay lý gian”, nhiều người tiêu dùng có tâm lý như vậy khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng bán không đúng giá nhưng họ chỉ phát hiện ra khi đã mang sản phẩm về nhà. Không có “ba mặt một lời” tại chỗ nên họ ngại mang tiếng “kì kèo” một số tiền ít ỏi? 

Bên cạnh đó, có tình trạng hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa được soạn sẵn, khách hàng chỉ cần ký vào là xong. Ví dụ như dịch vụ internet. Bình thường không có vướng mắc, người tiêu dùng không quan tâm tới nội dung hợp đồng, nhưng bất chợt đường truyền có vấn đề, gọi đến tổng đài của bên phía cung cấp dịch vụ nhờ sửa chữa, khách hàng thường phải kiên nhẫn nghe nhạc chờ, chờ đến  3-4 ngày và gọi báo sửa chữa nhiều lần mới được đáp ứng yêu cầu. 

Một tình huống khác cũng khiến không ít khách hàng bức xúc là khi mua các sản phẩm điện tử, điện máy, điều kiện bảo hành đã được bên bán hàng quy định “cứng”. Khi sản phẩm bị lỗi, không do khách hàng sử dụng sai, nhưng không nằm trong danh mục điều kiện được bảo hành, khách hàng cũng đành bỏ tiền túi ra sửa.

Không kêu thì thiệt

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết: “Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp hóa đơn tính tiền nhầm, khách hàng mang sản phẩm về nhà rồi vẫn có thể phản ánh lại với siêu thị. Nếu trường hợp đó xảy ra với siêu thị của chúng tôi, chúng tôi sẽ xem lại hóa đơn, biết số quầy thanh toán, xem lại camera ghi hình và trực tiếp kiểm kê lại hàng trong siêu thị. Phát hiện có nhầm lẫn thuộc về nhân viên, chúng tôi sẽ bồi thường cho khách hàng”.

Còn theo ông Trịnh Đức Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Pico thì sản phẩm có lỗi, người tiêu dùng có quyền được phản ánh với nơi bán. Tùy sản phẩm, nếu có chương trình đổi hàng do lỗi máy và vẫn còn hạn theo quy định, siêu thị sẽ tiến hành đổi hàng cho khách. Nếu không thuộc trách nhiệm phía nhà phân phối, bên bán vẫn có thể nhờ phía nhà sản xuất giúp khách hàng thay thế phụ kiện, sửa chữa với giá ưu đãi.

Theo một chuyên gia của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), người tiêu dùng có quyền khiếu nại trong trường hợp bị xâm hại quyền lợi, “không kêu thì thiệt”. Ngoài những sai sót, gian dối do bên bán cố ý, vẫn có trường hợp nhầm lẫn ngoài ý muốn. Dù là giá trị nhỏ hay giá trị lớn, người tiêu dùng vẫn cần lên tiếng - chuyên gia này chia sẻ. 

Hiện nay, trong rất nhiều giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng Việt Nam không được bảo vệ do có thói quen mua hàng ở những nơi bán nhỏ lẻ, chợ truyền thống, giá cả không được niêm yết rõ ràng, chất lượng mù mờ… Trong trường hợp này, người mua cần chủ động xem xét kiểm tra hàng hóa kỹ trước khi ra về, bởi khiếu kiện trong trường hợp này không dễ thực hiện.