Người Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Bờ biển Sừng Vàng, quãng gần cầu Galata luôn tấp nập người xe. Đoạn bến cảng có phần giống như một khu Ấn Độ, hỗn độn với dòng người đi lại, bên đường là những bà mẹ ăn xin bế đứa trẻ sơ sinh trong cái tã quấn rối, bên cạnh là một bé gái lôi thôi đã biết xin tiền khách. 

Người Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1

Đối diện hải cảng, nơi neo đậu những du thuyền đưa khách du ngoạn dọc bờ vịnh, có khu chợ Ai Cập nổi tiếng, hay còn gọi là chợ hương liệu, cũng ít khi ngớt vắng người. Trời thì nắng chang chang và ai nấy đều bận rộn buôn buôn bán bán, từ đất liền ra tới mặt biển. Khác với không khí ở nhiều thành phố châu Âu khác, Istanbul lúc nào cũng đông nghẹt người. Đây là một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới, chưa kể các đoàn khách du lịch đông đúc luôn ham muốn được viếng thăm địa danh huyền thoại và những lái buôn tứ chiếng mê thích được mua rẻ bán đắt ở nơi hàng hóa ê hề này. 

Nếu đứng ở bến cảng Sừng Vàng, bạn sẽ có cảm giác vừa ở châu Âu vừa ở châu Á. Hành trình đến Istanbul bạn luôn có cảm giác lâng lâng thích thú vì không biết mình đang “đi Tây hay đi Tàu”, mình đang ở thế giới hiện đại hay đã lạc vào xứ sở Nghìn lẻ một đêm. Kiến trúc nửa Âu nửa Á, vừa chóp tròn Hồi giáo vừa dát kính màu kiểu Byzantine và Rokoko. Bên kia phố là những khu chợ cổ xưa sặc sỡ thảm dệt và đồ thủy tinh, vậy mà tấp vào ngõ nhỏ đã lại thấy hàng hàng dãy dãy biệt thự châu Âu với dây leo xanh mướt tường nhà.

Món ăn cũng nửa Á nửa Âu, vừa ăn cơm vừa ăn salad, vừa ăn khoai tây chiên vừa ăn sốt đậu phụ. Không khí này là Âu Âu Á Á. Nó lộn xộn những người bán rong, luộm thuộm hàng hóa tầm tầm bày la liệt vỉa hè như lối của người bán lẻ ở Thái Lan, Trung Quốc. Nó nhung nhúc người nhưng lại chỉ rặt đàn ông y như ở Ấn Độ. Và ôi chao, ngày 5 lượt nghe tiếng kinh Koran vang vọng khắp thành Istanbul.

5 rưỡi sáng, 9 rưỡi sáng, 12 rưỡi trưa, 4 rưỡi chiều và 9 rưỡi tối, tiếng cầu nguyện ngân nga thánh thót, ầm ì từ giáo đường nọ rủ giáo đường kia, hòa thành một bản hợp ca độc nhất vô nhị, đặc trưng cho một thành phố đạo Hồi. Thế nhưng, những quán cà phê kiểu Âu, những khu villa cao cấp yên tĩnh biệt lập nằm ven bờ biển xanh, những vườn hoa tulip đỏ ối, những du thuyền, những nhà thờ Cơ đốc giáo kiểu Bulgaria và những người hát rong chơi chơi violon cổ điển ngoài quảng trường - đó đích thị là châu Âu. 

Người Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2

Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, chẳng ra Âu chẳng ra Á. Trước hết là ngoại hình, họ da trắng, mũi cao, dáng cao nhưng lại tóc đen, mắt đen. Tựu trung thì họ đẹp, vì họ mang vẻ đẹp duyên dáng của tất cả các dân tộc cộng lại.

Tôi định không nói câu này nhưng dẫu sao tôi vẫn thích những bình luận công bằng: Đàn ông Thổ… có lẽ là điển trai nhất thế giới. Họ sở hữu khuôn mặt xương góc cạnh của đàn ông vùng Nam Âu Địa Trung Hải. Đôi mắt đen (thi thoảng là xanh dương) thường đi kèm hàng mi cong rợp, nhưng khác với cấu trúc tròng đen của người Trung Đông tạo cảm giác cái nhìn chằm chằm, đôi mắt người Thổ dễ chịu hơn và vì thế, cũng quyến rũ hơn. Sống mũi thanh tú, bớt đi độ lớn như của người Nga và độ khoằm của người Ấn.

Tóm lại, mấy anh chàng Thổ lôi thôi đứng chào mời khách chụp hình trên tháp Galata sau khi khoác lên mình bộ trang phục của quốc vương Sultan để chụp ảnh với khách nữ thì choáng ngợp và hấp dẫn còn hơn vua Thổ. Vì thế, bất kỳ bác mày râu Thổ nào mà đi casting thì đều chắc chắn vượt qua được vòng kiểm tra nhan sắc, cho dù có xuất thân là người đứng bán rong hay khuân vác đồ trên bến cảng đi chăng nữa.

Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ thì khó bình luận hơn vì tôi ít gặp họ, hoặc giả tôi ít quan sát họ hơn. Ở trên tôi đã nói rằng đàn bà Thổ chủ yếu ở trong nhà, đã ra đường là phần lớn chỉ gặp nam giới. Tính cách người Thổ càng khó bình luận hơn nữa vì mình đã chơi với bạn bè Thổ bao giờ đâu mà biết, nhưng sau khi đọc hết các câu chuyện của Azit Nexin, thấy rõ một điều rằng đó là tư duy và tính cách điển hình châu Á. Một câu chuyện minh họa rõ rệt cho cái nết châu Á của ông vua châm biếm là truyện “Hào phóng”. 

Người Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3

Chuyện rằng nhân vật chính nghèo rớt mùng tơi tên Rukhi, mong quá đến ngày lĩnh lương. Cầm nắm tiền lương ít ỏi khấp khởi về nộp cho vợ, trên đường về bỗng đâu gặp một ông bạn, tiện thể vào quán. Ăn xong bạn bảo: “Bác cứ để tôi trả cho, lâu lắm không gặp”. Rukhi gạt đi: “Không, bác phải để tôi, lâu lắm không gặp, chuyện có đáng gì”. Thế là bạn đành để cho Rukhi trả. Ra đến đường cái, Rukhi tự rủa mình là đồ con lừa, sao cơm nhà không ăn phải ra cơm quán để đến nông nỗi mất gần chục Lira. Đi tiếp đến đầu phố, người hào phóng lại gặp một anh bạn khác, lâu lắm không gặp nên họ rủ nhau bắt taxi đi uống trà.

Taxi vừa đỗ, hai người cùng móc ví ra một lúc. Bạn bảo: “Bác để tôi trả cho”. Rukhi lại khăng khăng: “Không được, anh mà làm thế là tôi giận đấy, tôi sẽ thề không gặp lại anh nữa”. Bạn đành khổ sở nhượng bộ. Rukhi uống trà mà thấy đắng như thuốc, tự giận mình sao lại không để cho gã này tự trả tiền taxi. Mà đã trót trả rồi thì thôi lại còn bo cho thằng lái xe tận 5 Lira rưỡi. Uống trà xong hai người cùng móc ví một lúc và lại “Bác cứ để tôi” - “Không, tôi không đời nào để bác làm thế, bác nhường tôi đi, vì thánh Allah hãy để cho tôi trả”.

Giằng dai một lúc thì Rukhi thuyết phục được bạn cho phép mình trả tiền để rồi ra đến đường cái lại tự rủa “Đồ con lợn ngu ngốc. Ai lại đi uống trà những 3 Lira rưỡi bao giờ! Thà ngồi nhà cũng uống no được cái thứ nước thổ tả này. Vào đây uống trà cũng được, nhưng lẽ ra phải để người ta trả tiền chứ. Lại còn không lấy tiền thừa nữa! Con lừa! Con lừa”. Cứ như thế cho đến hết quãng đường đi Galatasaray, Rukhi tình cờ gặp thêm vài người bạn nữa, thậm chí cả bạn chỉ quen sơ sơ, và anh ta liên tục “Bác cứ để tôi trả” cho đến khi cạn túi. Cuối cùng Rukhi đã hóa điên lên vì tiếc của.

Trong hàng trăm truyện ngắn châm biếm của Azit Nexin, tôi nhớ nhất câu chuyện này. Cái tính sĩ diện dù rỗng túi, sao mà giống người Việt Nam đến thế, trong khi đàn ông châu Âu thì ngay cả đi ăn hiệu với bạn gái cũng phải chia đôi hóa đơn. Người Thổ thân thiện và tốt bụng,  giống người Á hơn người Âu. Có anh taxi chúng tôi định thuê để hôm sau chở ra sân bay, anh ta chẳng biết tiếng Anh nên sau một hồi ngẩn tò te không hiểu gì mới đi vào một cửa hàng bất kỳ để hỏi xem có ai biết tiếng thì ra nói hộ mấy câu. Một cậu bán hàng người Thổ bỏ việc đấy ra giúp. Cậu ta vừa phiên dịch vừa giải thích cho cả đôi bên một cách kiên nhẫn và niềm nở đến 15 phút đồng hồ. Riêng điểm này, những người Thổ lịch sự hơn cả người Âu và thân thiện hơn cả người Á. 

Người Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 4

Tuy nhiên, một số biểu lộ của người Thổ, dù là truyền thống, vẫn có gì đó đậm chất phóng khoáng, bùng nổ của cư dân vùng Địa Trung Hải hơn là đặc tính kín đáo và kìm nén của người Á Đông. Trong cuốn “Ataturk - Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại” miêu tả giai đoạn đầu thế kỷ 20, dưới triều đại cuối cùng của đế chế Ottoman, những người đàn ông Hồi giáo luôn bị quyến rũ bởi các hộp đêm, bar rượu và nhà thổ ở khu Beyoglu và quận cảng Galata. Và những học viên sĩ quan như Ataturk luôn cố gắng chối bỏ những gì mà cộng đồng Hồi giáo nhồi sọ cho họ, trong đó có cầu nguyện, nhịn ăn trong tháng Ramadan và tránh xa bia rượu, đàn bà hư hỏng. Hoàn toàn không giống tư duy của các quốc gia Hồi giáo thông thường. 

Ấy vậy nhưng cái cách đàn ông Thổ thấy phụ nữ thường ra bắt chuyện làm quen và đề nghị chụp ảnh cùng thì đặc sệt châu Á. Trai trẻ mà nom gái trẻ đi qua hay nhấm nháy trêu nhau rồi cười khúc khích. Ngay cả anh hải quan Thổ ở sân bay cũng có tật thích buôn dưa lê với khách nữ. Gặp một hành khách tóc vàng xinh đẹp, anh ta tươi cười hớn hở rồi hỏi chuyện lăng nhăng tới 10 phút đồng hồ, mặc kệ hàng trăm con người đang kiên nhẫn xếp hàng chờ đóng dấu lên hộ chiếu. Ông khách cầm hộ chiếu Hoa Kỳ đứng ngay kế trước quay lại nhìn tôi nhún vai. Miết rồi cũng đến lượt tôi, sau khi ông khách người Mỹ được đóng dấu rất nhanh vì rõ là anh ta chẳng có chuyện gì để nói với một hành khách cùng giới tính.

Đứng trước mặt gã trai Istanbul mắt xanh đa tình, tôi hầm hầm nét mặt. “Sao thế madam?”, anh ta toét miệng, “Có chuyện gì nghiêm trọng à, cười lên xem nào”. Tôi cau có: “Tôi không thể vui được, tôi đang rất vội và thủ tục của các bạn thì vô cùng chậm”. Như để trêu ngươi, một anh chàng hải quan khác bê liễn mứt quả chạy sang mời anh mắt xanh lắm chuyện này. Anh ta bèn nhón một viên nhai bỏm bẻm, đoạn nhấc điện thoại lên nói gì đó hồi lâu. Tôi bốc hỏa lên đầu.

Có lẽ anh ta biết thế nên đủng đỉnh ngắm nghía hộ chiếu của tôi rồi nhẩn nha hỏi: Madam đi du lịch hả? - Phải. Thấy chẳng buôn dưa lê được gì. Anh ta đóng dấu cái roẹt rồi lại toét miệng một cách đáng ghét: “Thank you, madam”. Tôi cầm hộ chiếu đi thẳng, không nói một lời, để mặc sau đó anh ta sẽ bình luận với bạn bè bằng vẻ rất hiểu biết về người Việt Nam: Tụi khách Việt cộc lốc và thô lỗ lắm, nhất là phụ nữ, phụ nữ trên ba mươi lại càng khó ưa.

Người Thổ làm gì cũng ngộ nghĩnh. Có bận tôi đứng chờ ở bến xe. Xe điện ở Istanbul thì luôn như cá xếp hộp, đặc biệt là giờ tan tầm, và chỉ riêng nhìn hàng người đứng chờ thôi đã đủ phát nản. Lúc tàu đến, thoáng nhìn đã thấy các toa trống không, trong khi người chờ thì đông đến cả trăm, mà 100% là nam giới. Tàu vừa mở cửa, các bác mày râu vóc dáng kềnh càng liền rối rít co giò tót lên tàu, cuống quýt chạy ra các ghế trống rồi ngồi ịch xuống tranh chỗ, cái cách giống y trẻ mẫu giáo.

Tôi ngẩn người đứng nhìn vì không thể nào nhanh chân bằng những hành khách đã có kinh nghiệm thâm niên đi tàu “xếp hộp”. Nhưng trước cảnh tượng hài hước ấy, tôi bật cười thành tiếng. Mấy đấng mày râu chợt nhận ra trên tàu cũng có phụ nữ mới ngượng quá liền đứng bật dậy bảo “Đây, mời cô ngồi chỗ này”. Tôi rối rít xua tay “Thôi, tôi xuống ngay bến sau. Ở Việt Nam phụ nữ quen nhường đàn ông rồi”.