‘‘Người phụ nữ điên” và những tác phẩm hội họa kỳ lạ

ANTĐ - Rối loạn đa nhân cách là một dạng bệnh lý tâm thần. Biểu hiện của căn bệnh này là sự mất nhận thức về bản thân và người bệnh thường đồng nhất hóa mình với người khác. Người mắc bệnh rối loạn đa nhân cách luôn chịu những diễn biến tâm lý phức tạp, họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối. Dưới đây là những câu chuyện kỳ lạ về người đa nhân cách.

Kim Noble và những tác phẩm của mình

Một người 20 nhân cách

Kim Noble, một nữ hoạ sĩ 51 tuổi người Anh có thể vẽ ra các tác phẩm với 12 loại tính cách khác nhau, trong đó có sự chuyển biến rất mạnh mẽ về tính cách khiến người ta khó có thể tưởng tượng ra đó là do 1 người vẽ. Ngay từ năm lên 7 tuổi, cô Noble đã phải đối mặt với chứng bệnh đa nhân cách. Do cha mẹ quá bận bịu với công việc, cô thường sống thui thủi trong 4 bức tường. Khi thấy những hành vi kỳ quái của con gái thì cha mẹ cô lại tỏ ra thờ ơ vì nghĩ rằng đó là biểu hiện thông thường của trẻ con. 

Do bệnh tình quá đặc biệt, trong suốt quãng thời gian 20 năm Noble đã phải nhờ đến rất nhiều bác sĩ, nhưng chẳng ai biết là Nobe mắc bệnh gì. Bà nói: “Tôi đã từng bị chẩn đoán là mắc chứng thần kinh phân liệt, bệnh chán ăn, trầm cảm… nhưng chẳng có bác sĩ nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh của tôi là gì”. Mãi nhiều năm sau người ta mới phát hiện bà bị mắc bệnh đa nhân cách. John Morton - một chuyên gia tâm lý của Đại học London - mới phát hiện trong con người của Noble có “20 người” với 20 tính cách khác nhau và “mỗi người” đều có một tính cách rất mạnh mẽ. Noble cho biết, mỗi một nhân cách đến với cô rất tự nhiên và rời khỏi tựa như cảm giác tỉnh giấc sau một giấc ngủ.

Thông qua kỹ thuật điều trị, đã phát hiện trong con người Kim Noble có 12 họa sĩ. Đó là khi bác sĩ Debbie Mackail khuyên cô Noble thử dùng cách vẽ tranh khắc họa lại những nhân vật khác nhau trong cơ thể cô. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là khi vẽ tranh cô Noble không thể ngừng lại được, cô đã vẽ liên tiếp rất nhiều bức tranh khác nhau làm người ta vô cùng kinh ngạc. Bác sĩ Mackail đã căn cứ vào những tác phẩm này để phân tích 12 loại tính cách khác nhau trong con người cô và đặt tên cho từng tác phẩm.

Noble cho biết, khi bà vẽ tranh, mỗi bức tranh của bà do nhân cách của một người làm chủ đạo. Tác phẩm có sự tương phản mạnh mẽ, màu sắc và đề tài đối lập. Có tranh vẽ vật cụ thể, có tranh vẽ trừu tượng, có tranh vẽ người, có tranh vẽ cảnh, có lúc tối sẫm, có lúc lại sáng láng... Còn có một số tác phẩm mà ngay cả các chuyên gia cũng không thể nhận biết được đó là tính cách gì. Mỗi lần vẽ xong một bức tranh, Noble đều không thể nhớ quá trình mình đã vẽ bức tranh đó. Tuy nhiên, Noble nói, vẽ tranh là một phương pháp tốt để điều trị bệnh nhân cách phân liệt. “Vẽ tranh đã khiến tôi tập trung các nhân cách khác nhau làm một, đây là những sở thích giống nhau của họ, cũng là gộp họ lại làm một”. 

4 năm trước, Noble được học vẽ chuyên nghiệp. Trong quá trình chữa bệnh bằng cách vẽ tranh, bà phát hiện ra việc vẽ tranh với nhiều tính cách thật thú vị. Noble chỉ cần 10 tháng là có thể tổ chức thành công 1 cuộc triển lãm tranh đầu tiên. Sau 4 năm đến ngày hôm nay, Noble đã có 200 tác phẩm. Những bức tranh này đã được triển lãm 27 lần ở viện bảo tàng mỹ thuật. Vì sự khác nhau giữa các tác phẩm của Noble, nước Anh đã tổ chức một cuộc thi vẽ tranh và quy định được phép tham gia với 5 tư cách. Có 800 họa sĩ tham gia vào cuộc thi này, mà bà Noble là....  5 trong số 800 họa sĩ đó! Cho đến nay, những tác phẩm của Noble đã được triển lãm ở châu Âu rất nhiều lần, khả năng kỳ lạ của bà đang được ghi thành sách và dự tính năm sau sẽ ra mắt công chúng. 

Bà Noble từng lập gia đình và có một cô con gái, chồng của bà do quá sợ hãi phải sống chung với người vợ có 20 nhân cách nên đã đệ đơn ly hôn. 

Tương tự như vậy, cô Karen Overhill lần đầu tiên đến phòng khám của Tiến sĩ Tâm lý Richard Baer ở Chicago, Mỹ vào năm 1989. Khi đó, cô 29 tuổi, đã có 2 con, bị chồng lừa dối và vừa trở về sau một vụ tự tử bất thành. Đó là lần đầu tiên Tiến sĩ Richard gặp cô Karen. Nhưng phải 4 năm sau, tiến sĩ Richard mới có chứng cứ chắc chắn để khẳng định rằng cô Karen bị mắc chứng rối loạn nhân cách. Đó là mẩu giấy do chính cô viết với nội dung: “Tên tôi là Claire, 7 tuổi, tôi sống trong linh hồn của Karen”. Dưới liệu pháp chữa trị của bác sĩ Richard, những nhân cách khác đã “chui” ra khỏi cô Karen. Một số là đàn ông, một số là phụ nữ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tính cách... Thậm chí mỗi linh hồn đều hiển thị trạng thái sức khỏe rất riêng, có người thì bị viêm phế quản, có người hay bị ốm... Theo thống kê của Tiến sĩ Richard, cô Karen có tất cả 17 nhân cách.

Ngay từ khi còn nhỏ, cô Karen thường bị người cha ngược đãi bằng những hành động như: quẳng vào tường, dùng băng dính bịt miệng, trói chân tay... Bên cạnh đó, ông nội cô thì thường xuyên xỉ vả. Mẹ của Karen cũng là nạn nhân nên không bảo vệ được con gái. Kể từ đó, thế giới nội tâm trong cô Karen trở nên vô cùng phức tạp.

Do có những biểu hiện trầm uất, cô gái người Mỹ tên là Molly đã tìm đến các bác sĩ tâm lý. Sau 6 tháng điều trị, các bác sĩ phát hiện ra trong con người cô có đến 18 nhân cách khác nhau: 1 người đàn ông, 8 người phụ nữ thích quấy nhiễu, 8 trẻ em và 1 người thường xuyên dàn xếp với 17 người kia để khỏi xảy ra va chạm. Trước khi đến gặp bác sĩ, cô Molly đã phải trải qua một thời gian dài chán ăn rồi lại ăn uống vô độ, cô mắc bệnh trầm cảm, thỉnh thoảng cảm thấy cơ thể đau nhức mà không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, cô thường xuyên nghĩ ngợi lung tung và không ít lần muốn tự tử.

Các bác sĩ nhận thấy cô có những hành vi cư xử rất kỳ lạ. Chẳng hạn, cô đã nhiều lần đi đến các địa điểm quen thuộc nhưng lại không nhớ là đã từng đến. Molly cũng quên những giai đoạn trong quá khứ của mình...

Một trường hợp tương tự: M. John là một chuyên gia trong ngành ngân hàng tại Washington DC. Anh có một mức lương lý tưởng, được sếp và đồng nghiệp tôn trọng, yêu mến. Bỗng một buổi sáng kia, John đến ngân hàng, ngồi vào bàn của Mark - người phụ trách quỹ, giở sổ sách, máy tính ra và làm việc như một người quản lý quỹ thực thụ. Tất cả mọi người ngạc nhiên, bực bội và cuối cùng đưa John ra kiểm điểm vì hành động vi phạm kỷ luật lao động của anh. Thay vì ăn năn, nhận lỗi, John kiên quyết phủ nhận lỗi lầm của mình và nhạo báng mọi người rằng tại sao họ lại quên rằng anh đang là một người quản lý quỹ. Gần tháng sau, người đàn ông ấy lại trở về thành anh chàng John khi xưa, giỏi giang và hiền lành.

Truy tìm căn nguyên “ma ám”

Trong dân gian căn bệnh khó lý giải trên được gọi là bị ma ám. Hàng năm ở Mỹ, người có biểu hiện như trên tới vài chục nghìn. Họ mang những đặc điểm rất giống nhau như: Cùng bị các rối loạn thể trạng và tâm lý. Khi vào “vai” nào đó, họ mang một nhân cách đặc biệt riêng, không hề giống với nhân cách vốn có hoặc những vai khác mà họ đã nhập. Sau khi "trở về", họ không hề nhớ những chuyện đã xảy ra với mình trong khoảng thời gian bị “ma ám”. 

Ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những người này bị rối loạn tâm lý hoặc có các tiền sử bệnh tâm thần trong quá khứ, hoặc bị các thương tổn tâm lý mạnh. Nhưng các kết quả kiểm tra đều không đúng như vậy. Một số người khác cho rằng họ bị mất trí nhớ tạm thời, nhưng cũng không thuyết phục. Ngay cả ý kiến cho rằng họ mắc chứng hoang tưởng cũng bị bác bỏ.

Các nhà khoa học cho rằng những người trên không hề bị ma ám như dân gian gán cho mà thực chất họ bị chứng rối loạn đa nhân cách (Multi Personality Disorder - MPD), căn bệnh được Pierre Janet, một bác sĩ người Pháp mô tả lần đầu ở thế kỷ 19. Là một dạng bệnh lý tâm thần mà biểu hiện là sự mất nhận thức về bản thân và vì thế người mắc bệnh thường đồng nhất hóa mình với người khác. Sự đồng nhất đó không vững chắc, một chấn động tinh thần cũng có thể làm biến mất và thường đồng nhất hóa tiếp với một nhân cách khác.

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển. 

Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” như vậy nhưng những mầm nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Dưới một tác nhân nào đó, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng MPD. 

Theo các nhà y khoa, bệnh nhân MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối, thậm chí trường hợp được ghi nhận nhiều nhất có cùng lúc tới 37 nhân cách khác nhau! Cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi hai nhân cách hoàn toàn trái ngược. Theo một thống kê của Hội Tâm thần Mỹ, có tới 1% dân số Mỹ có biểu hiện MPD.