Người Pháp tranh cãi về "Đệ nhất phu nhân"

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 2 tuần, gần 300.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến phản đối kế hoạch của Tổng thống Pháp trao chức danh “Đệ nhất phu nhân” cho vợ. 

Người Pháp tranh cãi về "Đệ nhất phu nhân" ảnh 1Bà Brigitte Macron khó trở thành “Đệ nhất phu nhân” vì rào cản pháp lý và ngân sách

Trước sức lan tỏa ngoài dự kiến của bản kiến nghị này, quan chức của Điện Elysée dù chưa đưa ra thông cáo chính thức nhưng ngày 8-8 cũng đã hé lộ rằng, họ sẽ không theo đuổi việc thay đổi địa vị pháp lý của bà Brigitte Macron.

Suốt quãng thời gian vận động tranh cử, ông Emmanuel Macron thường xuyên nhắc đến chuyện ông muốn vợ mình có chức danh chính thức “Đệ nhất phu nhân”. Nhằm ngăn chặn ý định đó, bản kiến nghị nêu rõ: “Chúng tôi không hoài nghi năng lực của bà Brigitte Macron. Nhưng tại thời điểm cần cải thiện đời sống công cộng ở Pháp, chúng ta không thể phê chuẩn việc tạo ra một vị thế đặc biệt cho vợ của Tổng thống Macron”.

Sở dĩ dư luận phản đối ý định này của ông Emmanuel Macron là bởi lẽ Hiến pháp Pháp không quy định vợ Tổng thống phải có một địa vị chính thức, mà để họ tự tạo cho mình một vai trò phù hợp. Tương tự, ông Joachim Sauer, phu quân của Thủ tướng Đức Angela Merkel hay ông Philip May, phu quân của Thủ tướng Anh Theresa May cũng không có danh vị chính thức. Bởi vậy, khi Tổng thống Pháp có ý định dựng lên vị trí “Đệ nhất phu nhân”, nhiều người phản đối bởi vấn đề này không thể chỉ là sắc lệnh Tổng thống mà phải được đưa ra trưng cầu ý dân, là vì “chính người dân Pháp chứ không phải ai khác mới có quyền chọn đại diện cho họ”.

Bên cạnh đó, việc tạo ra vị trí chính thức sẽ đòi hỏi phải xây dựng ngân sách riêng cho vợ tổng thống. Hiện hoạt động của phu nhân Tổng thống Pháp cùng đội ngũ trợ lý, nhân viên bảo vệ do ngân sách của Điện Elysee chi trả, ước tính khoảng 450.000 euro (530.590 USD) mỗi năm. Tuy nhiên, nếu được “chính danh”, bà Brigitte Macron còn có thể nhận được một khoản tiền phụ cấp từ ngân sách Chính phủ để thuê nhân viên cùng các chi phí liên quan.

Nhà văn Thierry Paul Valette, người khởi xướng lá đơn kiến nghị phản đối kế hoạch chính danh cho vợ của Tổng thống Pháp, cho rằng: “Không có lý do nào để ngân sách quốc gia phải chi trả cho vợ của một vị nguyên thủ. Hiện tại, bà Brigitte Macron có 2 trợ lý cùng 2 thư ký và 2 nhân viên an ninh, như vậy là đủ rồi”.

Dù Tổng thống Macron khẳng định “Đệ nhất phu nhân” sẽ không nhận lương Chính phủ, nhiều người Pháp cho rằng Tổng thống Macron dường như đang đi ngược lại mục tiêu “làm thay đổi bộ mặt bộ máy công quyền” mà ông từng tuyên bố là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ còn non trẻ của ông. 

Trước đó, ông Francois Fillon, một trong những đối thủ chính của ông Macron khi tranh cử Tổng thống, đã mất sự ủng hộ sau khi bị tố cáo bổ nhiệm vợ vào vị trí trợ lý riêng và trả lương hàng trăm nghìn euro. Trước bê bối của đối thủ, ông Macron cho biết ông muốn cấm các chính trị gia thuê người thân làm việc. Hơn nữa, Quốc hội Pháp đang thúc đẩy cải cách nhằm ngăn chặn tình trạng các nghị sĩ, quan chức chính phủ thuê người thân vào làm việc cho chính quyền. Vì thế, ý định trao cho vợ Tổng thống chức danh “Đệ nhất phu nhân” càng trở thành chủ đề “nóng” hơn bao giờ hết.

Dù ông Macron chiến thắng áp đảo cuộc bầu cử hồi tháng 5, nhưng theo kết quả từ các cuộc thăm dò mới nhất, hiện tại chỉ 36% người dân Pháp ủng hộ tân Tổng thống. Nếu không khéo xử lý việc này, tỷ lệ tín nhiệm với Tổng thống Macron có thể còn sụt giảm nữa. Có lẽ đã đến lúc ông phải chấp nhận việc nước Pháp chỉ có vợ Tổng thống, chưa thể có “Đệ nhất phu nhân”.