Người phải thi hành án dân sự, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế... sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

ANTD.VN - Luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua chiều 22-11, quy định rõ 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và 11 hành vi bị nghiêm cấm trong xuất, nhập cảnh.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1-7-2020

Với 91,30% ĐBQH biểu quyết tán thành, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều nay, 22-11. Một trong những nội dung được quan tâm tại luật này là quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, Điều 36 của Luật quy định rõ 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

Đáng chú ý, ngoài các đối tượng bị can, bị cáo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách… Luật cũng quy định những người phải thi hành án dân sự; người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Cùng đó, người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn… cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (Điều 36) của luật này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo tại Quốc hội

Trong đó, có ý kiến đề nghị lược bỏ các trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách tại khoản 2, vì cho rằng Luật Thi hành án Hình sự quy định ba trường hợp này không được xuất cảnh.

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu không quy định trong Luật này 3 đối tượng không được xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự có thể dẫn đến cách hiểu là do Luật này ban hành sau có giá trị áp dụng so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nên trong lĩnh vực thi hành án hình sự sẽ không còn 03 đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh nêu trên.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh; cho rằng quy định “người phải thi hành án dân sự” tại khoản 4 là quá rộng; hay ý kiến đề nghị cần quy định rõ “Người đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” … Song theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh khác nhau nên không cần thiết phải quy định tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh trong Luật này.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Giấy tờ xuất nhập cảnh đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất nhập cảnh.

Cũng trong chiều nay, với đa số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).