Người lớn cũng nên tiêm nhắc lại vaccine

ANTĐ - Thời điểm này ở miền Bắc đang được coi là mùa của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi hầu hết các loại bệnh từ cúm A/H1N1, tay chân miệng đến thủy đậu, sởi, rubella, quai bị… đều gia tăng. Đáng chú ý, nhiều người lớn cũng mắc bệnh dù đã từng tiêm vaccine.

Người lớn cũng nên tiêm nhắc lại vaccine  ảnh 1
Để phòng ngừa dịch bệnh, tiêm vaccine nhắc lại là cần thiết với cả người lớn

60% bệnh nhân sởi, uốn ván trên 15 tuổi

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, riêng sáng 27-3 đã có 225 bệnh nhân vào khám, trong đó 70 trường hợp là các bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm khuẩn tổng hợp. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV cho biết, bệnh nhân tăng mạnh nhất thời điểm này là tay chân miệng khiến cho khoa điều trị Nhi luôn trong tình trạng quá tải. Các bệnh truyền nhiễm khác cũng rải rác ghi nhận như thủy đậu, sởi, quai bị… nhưng điểm đáng chú ý là nếu như trước đây bệnh này chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ thì trong một vài vụ dịch gần đây, đa phần bệnh nhân mắc là người lớn. Điển hình như bệnh uốn ván, dù đã từng tuyên bố thanh toán thành công bệnh này nhưng mấy năm gần đây mỗi năm BV tiếp nhận khoảng 100-120 ca vào điều trị, trên 90% bệnh nhân là người lớn. Tương tự, bệnh sởi, quai bị, trên 60% bệnh nhân là trên 15 tuổi, cũng có một số người lớn bị mắc tay chân miệng do tiếp xúc, chăm sóc trẻ tay chân miệng.

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tăng theo mùa nhưng gần đây tăng quanh năm. Năm nay, điều đáng cảnh báo là số bệnh nhân quai bị biến chứng vào điều trị tăng khá cao, có những bệnh nhân khi vào nhập viện đã có triệu chứng đau bụng dữ dội, viêm tụy, viêm não, rối loạn ý thức, viêm tinh hoàn… Do bệnh xảy ra ở thanh niên nên làm tăng tỷ lệ vô sinh ở cả bệnh nhân nam lẫn bệnh nhân nữ, bởi đây là biến chứng điển hình và thường gặp của bệnh. Đáng chú ý, qua điều tra có rất nhiều bệnh nhân đã từng tiêm vaccine phòng bệnh từ hồi nhỏ vẫn mắc bệnh, cá biệt có những bệnh nhân đã từng mắc quai bị vẫn mắc lại.

Bên cạnh bệnh nhân TCM thì bệnh thủy đậu đang gia tăng nhanh nhất. Theo TS. Kính, bệnh nhân thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng gặp cả ở người lớn do tỷ lệ được tiêm nhắc lại vaccine trong cộng đồng hiện rất thấp, trong khi hiệu lực của vaccine chỉ trong một thời gian nhất định.  Thống kê từ TTYTDP Hà Nội cũng cho thấy, tính đến hết tháng 2-2012, toàn thành phố ghi nhận 560 ca mắc thủy đậu, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2011. 

Vì sao tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết, về nguyên tắc rất khó để phòng được các bệnh truyền nhiễm bởi hầu hết loại bệnh này có thể lây ngay từ khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Do đó, vào mùa dịch như hiện nay, những người chưa có đề kháng, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ rất dễ bị lây nhiễm và mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngay cả những người đã từng được tiêm phòng vaccine từ nhỏ hoặc đã từng mắc sởi, thủy đậu… vẫn có thể mắc lại. Phổ biến nhất là những trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella nhưng vẫn mắc các loại bệnh này. 

Bác sĩ Hà lý giải, nguyên nhân là do trong chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây, chỉ cần tiêm một liều vaccine sởi đã đủ tạo ra miễn dịch cao và bền vững. Tuy nhiên, hiệu lực của vaccine sởi không kéo dài cả đời, cũng có thể do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng… khiến cho hiệu lực của vaccine không đạt cao nhất. Do đó, những thanh niên sống trong vùng đang có dịch sởi bùng phát mạnh cũng nên tiêm nhắc lại mũi 2 để tạo miễn dịch lâu dài hơn.