Người hâm mộ thích "ném đá", dễ tha thứ

ANTD.VN - Có lẽ, không quá chủ quan nhưng chưa có một thị trường giải trí nào “sở hữu” một cộng đồng “biến thiên” như người hâm mộ Việt Nam. Họ có đáp số chung về đặc tính rất mâu thuẫn, đó là thích “ném đá” và dễ tha thứ đến bất ngờ. 

Hết thóa mạ lại tung hê 

Cách đây vài tháng, có một sự vụ gây ầm ĩ diễn đàn mạng xã hội, đó chính là câu chuyện “giật chồng” của nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Sự việc nhanh chóng gây chấn động cư dân mạng. Suốt thời gian đó không biết bao nhiêu hội, nhóm được thành lập để tố cáo Hà Hồ, họ điên cuồng vào tận trang cá nhân của cô ca sĩ nổi tiếng để chửi bới, thóa mạ, xúc phạm và yêu cầu cô phải giải nghệ và nói lời xin lỗi công chúng vì tội “giật chồng”. Không những thế, họ lập ra một hội tẩy chay những nhãn hàng mà cô ca sĩ này làm hình ảnh đại diện. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi một diễn đàn có tên “Tâm sự Eva” lập một nhóm để ném trứng thối vào cô ca sĩ khi cô biểu diễn tại Nghệ An, thật may là sự việc đó đã không xảy ra. Bất cứ một người nào, dù là đồng nghiệp hay người không liên quan nếu lên tiếng bênh vực Hà Hồ lập tức sẽ bị antifan (người ghét ca sĩ) ném đá kiểu “tận diệt”.

Từ việc ghét Hà Hồ, công chúng ghét luôn cả con cô, gia đình cô, bạn bè cô, cho dù họ chẳng có lỗi gì trong việc Hà Hồ qua lại với đại gia kim cương. Lý do rất đơn giản, vì họ có liên quan đến cô, nên đám đông tiện tay “ném đá”, ném luôn vào cả những người mà họ cho rằng “cùng một giuộc”. 

Trái với Hà Hồ bị cư dân mạng “ném đá” vì dính “phốt giật chồng”, các nghệ sĩ bỗng dưng bị ném đá bởi một câu chuyện rất hài hước: Vô tình chia sẻ bài hát! Cụ thể hơn ở câu chuyện này chính là lùm xùm nghi án đạo nhạc của ca sĩ Sơn Tùng M-TP với ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau”. Khi ca khúc này ra mắt, người hâm mộ dễ dàng nhận ra sự trùng hợp của hai ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP và ca khúc “We don’t talk any more” của Charlie Puth và Selena Gomez. Các nghệ sĩ Việt Nam gồm: Thanh Duy Idol, Lưu Hương Giang, Lan Khuê vì thích bản hit của Charlie Puth và Selena Gomez nên đã chia sẻ bài hát này lên trang cá nhân mà không ngờ rằng mình đã “đắc tội” với người hâm mộ của Sơn Tùng M-TP khi fan của nam ca sĩ này cho rằng những nghệ sĩ trên đã “mỉa mai”, “đá xéo” thần tượng của họ. 

Dường như ngay lập tức, một làn sóng của các Sky (người hâm mộ Sơn Tùng M-TP) tìm đến trang cá nhân của các nghệ sĩ trên “ném đá” không kiêng nể. Lưu Hương Giang, Thanh Duy và Lan Khuê tỏ ra quá hốt hoảng vì thái độ không còn chuẩn mực của những người mang danh fan Sơn Tùng khi để lại những bình luận đầy ác ý trên trang cá nhân của những nghệ sĩ này. Cực chẳng đã, họ phải viết tâm thư thanh minh với số đông rằng họ không hề biết nghi án đạo nhạc của ai với ai, chỉ là hâm mộ Charlie Puth và Selena Gomez nên chia sẻ ca khúc mà thôi, nào ngờ những dòng thanh minh trên lại tiếp tục bị ném đá vì tội “giả tạo”…

Hồ Ngọc Hà sau lùm xùm “giật chồng” vẫn tổ chức liveshow hoành tráng thu hút hàng nghìn người hâm mộ, vẫn lên truyền hình với tư cách giám khảo show The Face, vẫn xuất hiện trong các quảng cáo giờ vàng tại sóng quốc gia, vẫn là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng. Có vẻ như sau vụ scandal “giật chồng”, Hà Hồ vẫn chẳng hề lung lay ngôi vị “Nữ hoàng giải trí”. Công chúng từ “sồn sồn” thóa mạ, giờ lại thấy tung hê, ca ngợi. 

Chuyện “sao” ở xứ người

Tại Hàn Quốc, một ngôi sao chỉ cần dính đến scandal là đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp. Rất nhiều ngôi sao hạng A của làng giải trí Hàn đã phải cúi mình xin lỗi công chúng và rút lui khỏi làng giải trí khi dính “phốt”, như Hoa hậu Hàn Quốc 1994 Han Sung Joo với vụ scandal bán dâm hay nữ diễn viên đóng vai Hiếu Kiêng trong phim “Mối tình đầu” nổi tiếng đã bị quy vào tội “phản quốc” khi chụp ảnh có liên quan đến lính Nhật thời thế chiến.

Tại Trung Quốc, nữ diễn viên Thang Duy đã bị lĩnh án cấm vận hình ảnh sau những cảnh diễn táo bạo trong phim “Sắc Giới”, nữ ca sĩ Lady Gaga bị cấm vĩnh viễn nhập cảnh vào Trung Quốc khi “dám” đến Tây Tạng trò chuyện với các nhà sư. Có thể nói, động thái quyết liệt sau việc “ném đá” vì scandal ở xứ người là một hình phạt rất cụ thể, nghiêm khắc và có tính răn đe cao. Tất nhiên, mỗi một nền văn hóa có một cách ứng xử khác nhau với cùng một sự việc, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, chẳng có người hâm mộ xứ nào thay đổi thái độ nhanh đến chóng mặt như ở Việt Nam: Hôm trước còn “ném đá” tận nhà, hôm sau đã tung hô, ca ngợi chính cái nhân vật mình vừa vùi dập hôm qua. Người hâm mộ Việt thật là có lòng bao dung và vị tha “quá độ”!