Người H'mông ăn Tết kiêng gì?

ANTĐ - Người Hmông sống trên địa hình cao nhất Việt Nam. Đời sống vùng núi cao gắn liền với thiên nhiên, mà thiên nhiên thì lắm thế lực siêu hình, Tết là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, là sự kiện trọng đại trong đời người, vậy nên những ngày Tết của người Hmông có tục lệ kiêng khem bất thành văn.

Tranh xé giấy Chợ tình người Hmông của Hoàng Thị Phương Liên

Nhà nào cũng có túm lá xanh

Những lệ tục ấy ăn sâu vào tâm thức trở thành tâm linh không cần rao giảng, nhắc nhở, ai cũng đều tự nguyện thực hành theo. Đối với những làng thôn ở thành chòm xóm, từ ngày 22 đến ngày 28 tháng Chạp thầy cúng sẽ làm lễ khai Tết, trong khi hành lễ, thầy sẽ gọi mỗi gia đình kiêng vào ngày nào. Việc xướng gọi này dường như không phải do thầy ấn định mà do thế lực siêu nhiên đặt qua miệng thầy. Đến những ngày đó, từng gia đình tự nhớ và kiêng cấm; người ta sẽ cấm bang bằng lá xanh làm ám hiệu để người ngoài không vào. Ngày mồng Một, nhà nào cũng đều cấm bang, không phải cấm khách mà theo quan niệm ma hoang, ma ngũ hải, quỷ dữ nếu vạ vật lang thang thì đến cửa, thấy túm lá xanh là cùng đường không vào được nhà ám hại người, súc vật đã thuần.

Xem ra cái sự kiêng này có vẻ huyễn hoặc đầy mê tín, song lại có lý vì những ngày áp Tết, con người dễ “buông lỏng” mình. Kiêng là lời nhắc nhở phải phòng ngừa những sự cố bất thình lình như hỏa hoạn hoặc tai nạn bất chợt giáng xuống. Như vậy, ngày Tết không chỉ tắm rửa, trút bỏ bộ đồ nhàu nát cũ đượm mùi mồ hôi, bồ hóng, trưng diện bộ mới tinh khôi thơm phức mùi chàm,  mà còn có ý nghĩa là dịp tu chỉnh đạo đức, lối sống, rèn luyện nhân cách.

Quét bỏ ốm đau xúi quẩy

Ngày 30 là Tết tất niên tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị mâm cỗ thì gia chủ làm lễ quét bồ hóng. Vật hành lễ là bó cành trúc. Gia chủ vừa quét, vừa lẩm bẩm lời khấn: Chỉ quét cái ốm cái đau, quét điều xúi, quét đi bệnh tật ở người, gia súc, quét đi bệnh dịch cho cây trồng; không quét hồn người, hồn gia súc gia cầm, hồn cây trồng, hồn lửa, nước... để đón về những điều tốt lành, cầu mong no ấm... Trong khi gia chủ hành lễ thì có người quét nhà, mạng nhện, dọn dẹp vệ sinh trong ngoài nhà, sàn nước, chuồng gia súc gia cầm. Rác rưởi quét dần từ phía Đông trong nhà sang phía Tây, rồi đổ ra phía mặt trời lặn để mặt trời mang theo đi.   

Khách không ngồi chơi dai: Riêng ngày 30 Tết, nhà nào cũng tất bật, nếu chẳng may có khách ngồi dai, khách đường xa, cán bộ công tác phải lưu lại thì khách cũng phải xắn tay áo làm mọi việc như người nhà. Nếu khách bó tay ngồi sưởi thì người Hmông quan niệm chính vị khách đó sẽ rước bệnh lười về gieo rắc cho nhà mình trong năm mới, từ bệnh lười sẽ sinh ra nhiều thứ bệnh hoạn là ma ăn xin, ma ốm đau, ma đói khát, ma chộp giật. Tuy chủ nhà không nói gì, nhưng khi khách đi ra khỏi cửa là thể nào cũng bị nhát chổi quét theo, hoặc bị nhổ bọt cùng một câu nguyền rủa, thậm chí còn mang thanh củi đang cháy tống tiễn khách đi. Hành vi đó không phải do ghét hay cố tình, mà là hành xử theo lệ tục. Từ chiều ngày mồng Một trở đi, nhà nhà đều hồ hởi đón khách đến chơi lâu, thậm chí nghỉ lại qua đêm.

Không động chạm nông cụ 

Trong ngày 30 khi dọn dẹp nhà cửa, quét bồ hóng, nông cụ đều được xếp gần ban thờ. Cùng các cột, xà, cửa, bếp lò, chuồng gia súc, gia cầm, nông cụ được dán giấy tạ ơn, vì người Hmông quan niệm vạn vật đều có hồn, ngày Tết phải được nghỉ ngơi, ít nhất từ chiều 30 cho đến hết ngày mồng Một. Nếu vẫn bị quấy rầy thì sẽ bị nông cụ quở trách.

Không khạc nhổ vào bếp 

Khạc nhổ vừa làm ô uế, vừa làm mất sự linh thiêng của lửa. Nếu nhổ bọt, hỉ mũi, thần Lửa sẽ bỏ đi, nhà sẽ mất sự yên ấm. Không được ăn nói bậy bạ, nói năng huyên thuyên hoặc tiết lộ bí mật vì quan niệm khói hay mách lẻo, kẻo từ chuyện này sẽ phát tán ra nhiều chuyện khác, khói bếp có thể mách cho ma hoang, quỷ dữ biết người sẽ làm gì, đi đâu để dễ bề ám hại. Quan niệm tâm linh là vậy, và khạc nhổ là hành vi làm mất vệ sinh, làm mất đi sự thiêng liêng của ngày Tết.

Không đánh yến

30 là ngày cùng tháng tận, tuy là Tết nhưng nếu đánh yến trong nhà sẽ gây lộn xộn hoặc sinh chuyện rắc rối như mắc cửi; nếu đánh yến ngoài trời thì sẽ khích lệ quạ, diều hâu, quỷ trời và các thế lực hắc ám gây họa. Quan niệm là thế, song chiều 30 thường rất bận rộn bởi vô khối việc phải hoàn tất. Từ chiều mồng Một, các trò chơi sẽ diễn ra rộn rã kể cả đánh yến, đánh pao. 

Không huýt sáo

Huýt sáo mồm trong nhà tức là gọi gió bão, người huýt sáo bị coi là kẻ không chính trực, lời nói không có sức nặng, nói năng sáo rỗng. 

Không làm cơm rơi vãi 

Người Hmông có cả một câu chuyện dài khuyên răn trẻ không làm cơm rơi vãi. Xin tóm tắt như sau: Xửa xưa lương thực đến mùa chín thì tự chảy về. Do chúng chồng chất lộn xộn làm vướng chân bà chủ, bà vừa quét vừa mắng “khi nào chín chúng tao khắc lấy về”, thế là lương thực bỏ đi, thành ra bị đói kém. Một số tộc người khác cũng kể chuyện có nội dung này.

Những việc không làm ngày mùng một 

Không thổi lửa vì sẽ gây nắng nóng, khô hạn, dễ xảy ra hỏa hoạn, lương thực bị lép. Không thêu may, giặt giũ, cuốc cày... để cho hồn muôn vật, muôn loài được nghỉ ngơi. Không gội đầu cho trẻ với quan niệm hồn trú trên chỏm đầu ngày này dễ lìa thân chủ. Không nói to, không nói năng tục tĩu, suồng sã, không uống rượu say để có một ngày trọn vẹn tu thân tích đức, giữ gìn sự đầm ấm cho cả năm cả đời. Không chan canh với cơm mới nấu là giữ gìn cho lương thực được đậm đà ngon lành và để không khí không quá ẩm ướt. 

Tết Hmông ăn sớm hơn Tết Nguyên đán truyền thống của cả nước vì người Hmông chỉ tính lịch 360 ngày/năm. Dân tộc Hmông sống trên cao, những nơi ít đất, hiếm nước, chủ yếu là đá, núi đá lạnh giá nên dịp ăn Tết cuối năm là cơ hội nghỉ ngơi, vui chơi, uống rượu. Vì họ đã vất vả chịu khó suốt cả năm rồi.