Nhà văn Ngô Vĩnh Bình:

Người gác “gôn” các giai thoại

ANTĐ - Nhắc đến Đại tá - nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nhiều thế hệ cầm bút ở Nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) thường liên tưởng ngay đến những câu chuyện của ông về các nhà văn.

Đại tá - Nhà văn Ngô Vĩnh Bình

Mấy chục năm cầm bút ở mảng lý luận phê bình, có thể nói, chân dung các nhà văn là một thế mạnh của Đại tá – Nhà văn Ngô Vĩnh Bình. Hàng chục đầu sách với hàng trăm chân dung các nhà văn, nhà thơ đã được “phục dựng” dưới con mắt của ông. Ngô Vĩnh Bình cũng là người sáng lập và giữ chuyên mục “Chuyện văn – Chuyện đời” trên Báo Quân đội nhân dân trong suốt thời gian dài. Với chuyên mục này, hàng trăm câu chuyện về các nhà văn đã được ông kể lại một cách giản dị và sinh động. 

Ông là một địa chỉ tin cậy để thẩm tra, xác minh mọi câu chuyện được truyền khẩu qua nhiều người hay những giai thoại, những câu chuyện “nghe nói” từ các nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn chống Mỹ. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, khi mà những tên tuổi lớn ở Văn nghệ Quân đội dần rời ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như Nam Hà, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng… những người đang làm việc hầu hết đều là những nhà văn trẻ thì Ngô Vĩnh Bình đóng vai trò như một dấu gạch nối giữa hai thế hệ. 

Ngô Vĩnh Bình là người dí dỏm trong giao tiếp. Ông thường chủ động xóa đi cái ranh giới cấp trên – cấp dưới. Dù tiếp xúc với những người đồng niên hay người trẻ thì ở ông luôn toát lên sự vồn vã, chân tình. Ông cũng hay “điểm huyệt” người khác bằng cách gọi tên tác phẩm nổi bật hay mới nhất của người ấy, hoặc một “mã tính cách” của người ấy đã thành “giá trị” trong giới cầm bút, một phát ngôn còn mang tính “thời sự”. Ông là người có duyên kể chuyện. Sự luyến láy, âm điệu giọng nói, ánh mắt của ông đều hướng vào nội dung và các tình tiết của câu chuyện một cách nhẹ nhàng, ý nhị.

Cả đời “kể chuyện nhà văn”, đến nay gia tài văn chương của Đại tá – Nhà văn Ngô Vĩnh Bình là hơn chục đầu sách, phần lớn là các tập chân dung văn học. Mới đây nhất là tập “Trăng và súng” vừa được in bởi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 60 chân dung là 60 lát cắt về các nhà văn nhà thơ đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam. Tập sách được đặt tên từ hình ảnh “đầu súng trăng treo” của nhà thơ Chính Hữu, cũng là một nhân vật trong sách. Bài viết “Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ” đã được Ngô Vĩnh Bình dùng để thay lời mở đầu cho cuốn sách. Ông viết: “Hình ảnh “đầu súng trăng treo” sau mấy mươi năm đến hôm nay không chỉ là “thương hiệu”, là “tài sản” của riêng Chính Hữu mà nó đã trở thành biểu tượng của giới cầm bút mang áo lính”. Người đọc sẽ bắt gặp trong cuốn sách những gương mặt quen thuộc như Vũ Cao, Thu Bồn, Trần Mai Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật… bên cạnh những cái tên chưa nhiều người biết, thậm chí mới nghe lần đầu như Thoong B.C hay những người chịu thiệt thòi nhiều trong cuộc sống cũng như trong nghiệp văn như Mai Ngữ, Đặng Văn Nhưng, Trần Vũ Mai…

Văn nghệ Quân đội là cái nôi của nhiều nhà văn lớn trong nền văn chương của cả nước. Hình ảnh những nhà văn còn lưu lại rất nhiều ở nơi đây. Phòng của Tổng biên tập Ngô Vĩnh Bình hôm nay chính là phòng của nhà thơ Thanh Tịnh, tác giả của tác phẩm “Tôi đi học” trong sách giáo khoa mà nhiều thế hệ học trò gần như thuộc lòng. Trên nóc chiếc tủ sách của ông vẫn có bát hương thờ Thanh Tịnh dưới bức ảnh nhà thơ. Thanh Tịnh là Tổng biên tập đời thứ hai của Văn nghệ Quân đội, còn Ngô Vĩnh Bình là Tổng biên tập đời thứ bảy. Ngô Vĩnh Bình cũng có đến hai tập sách về Thanh Tịnh gắn với nhiều giai thoại nhà thơ xứ Huế có cuộc đời chìm nổi. Tôi nhớ trước đây khá lâu, khi ra tập sách “Ngồi gốc cây hồng” Ngô Vĩnh Bình có đùa rằng mình là người “nhặt hoa” ở Nhà số 4. Không chỉ đùa miệng, ông còn cho in ở tập sách câu đề từ “Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa”, thế nhưng sau đó Ngô Vĩnh Bình vẫn viết và ra sách đều đều. Hơn thế, sau này ông còn giữ cương vị cao nhất ở Nhà số 4.

Kiểu viết chân dung của Ngô Vĩnh Bình như thể người chụp ảnh, chụp lấy một khoảnh khắc, một lát cắt của nhân vật, nhưng đó là khoảnh khắc đáng nhớ, là lát cắt sắc nét và hóm hỉnh. Thông qua câu chuyện cụ thể đã lột tả một nét chân dung, một nét tính cách của nhà văn để thấy rõ cái hài, cái bi của một con người, một đời người. Con mắt quan sát của ông như chiếc camera thính nhạy có thể đọc được những điều ẩn chứa sau mỗi cuộc đời, mỗi sự vật, hiện tượng diễn ra giữa vô vàn cư xử, giao tiếp đời thường. 

Cả đời đi “vẽ” chân dung người khác nhưng chân dung của chính Ngô Vĩnh Bình thì chưa nhiều người khắc họa. Trong số ấy có lẽ bức chân dung “đáng nhớ” nhất lại là bức “biếm họa” bằng thơ. Trong một bài thơ vui, nhà thơ Trần Nhương đã “vẽ” Ngô Vĩnh Bình như sau: Ngô này là Ngô Vĩnh Bình / Tuổi con rắn, quê ngoại thành Thủ đô / “Nẻo vào văn học” nhấp nhô / Dọc đường nhặt những chuyện thơ chuyện đời / Phê bình lý luận khơi khơi / Ăn theo các cụ lên đời quan văn / Tưởng rằng muôn khó ngàn khăn / Đánh đùng một cái yếu nhân nể vì / Nói năng rủ rỉ rù rì / Mà bao em muốn tí ti xen vào… Vốn là người hài hước, Ngô Vĩnh Bình đã đón nhận bức chân dung một cách vui vẻ.

Thời gian càng lùi xa thì những câu chuyện về các nhà văn, những giai thoại về họ càng trở nên quý giá, và Ngô Vĩnh Bình như một địa chỉ tin cậy nắm giữ những “bí mật” nho nhỏ, những câu chuyện giản dị mà cảm động về những con người đã có những đóng góp, cống hiến cho nền văn học Việt. Ông như một người kể chuyện, người gác “gôn” giai thoại ở Nhà số 4.