Người dân có quyền hy vọng

ANTĐ - Chính phủ nhiệm kỳ mới với 16/23 thành viên Chính phủ là người mới và chỉ trong vòng hơn ba tháng qua, có không ít vị tân Bộ trưởng nhanh chóng tạo được dấu ấn trong lòng dư luận.  Những cái tên như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng… đã trở thành hiện tượng của những Bộ trưởng trẻ dám nói, dám làm, tạo niềm tin lan tỏa trong hoạt động của hệ thống chính trị, và trong nhân dân.


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Không ngại bị điều tiếng

“Tư lệnh” là cách nói của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đối với các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ điều nhiều người nghĩ nhưng hiếm khi nói “là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được”. Câu nói của tân Bộ trưởng đã thể hiện tư duy và tầm nhìn mới. Bộ trưởng Thăng tỏ ra chưa bao giờ “ngán” phát ngôn về bất kể những việc nào có liên quan đến lĩnh vực ông phụ trách. Thẳng thắn, không ngại đụng chạm, không ngại bị phê phán, không ngại bị điều tiếng, ông nói về các ý tưởng, các bước đi của mình trong điều hành một cách công khai nhất. “Nhiều khi tôi nói về vấn đề này, vấn đề khác, có người nhắn tin “mắng” tôi làm sao lại có thể “ăn nói” như vậy. Nhưng nếu tôi ngại, mà không dám nói nữa, chỉ lẳng lặng làm thì làm sao có được sự đồng thuận của người dân và dư luận”, Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Có nhiều người nhận xét rằng Bộ trưởng Thăng dám nói, vì những phát ngôn của ông không gây “thương tổn” đến nhóm lợi ích cục bộ hay những thế lực cụ thể nào trong xã hội. Cũng có người nói vì cá tính của ông là vậy, nên dù có thể bị “tai nạn”, thì ông vẫn cứ nói. Nhưng dù lý do gì, thì triết lý giản dị của Bộ trưởng Thăng: “Chỉ lẳng lặng làm thì sao có được sự đồng thuận” là có lý. Và hơn cả, thực tế cũng đã chứng minh, có dám nói thì mới dám làm. Dám nói và dám làm đã trở thành hai “điều kiện” tiên quyết và song hành, trong việc tạo nên bản lĩnh của những người đứng đầu. Từ chỗ “đòi” được toàn quyền như tướng ra trận, đến “trảm tướng” giữa trận tiền, rồi chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, đổi giờ học giờ làm… đều là tâm điểm của dư luận, ngay trước thềm khai mạc phiên họp thứ 2 Quốc hội thứ 13. Là một đại biểu, đương nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng có mặt đều đặn trong hội trường. Tất nhiên, ông cũng có điều kiện lắng nghe đầy đủ các khen chê cả trong và ngoài các phiên họp. Ông cũng tuyên bố: "Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên". Những phát ngôn của ông khá ấn tượng và rõ ràng khá hợp lòng dân.


Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp đừng dọa nhà nước!

Dư luận cũng đã rất ấn tượng và sửng sốt, thích thú trước sự nổi giận thực sự của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”  ngày 20-9, câu nói kinh điển “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trước việc các doanh nghiệp sợ sẽ bị “vỡ hệ thống” nếu giảm  vài trăm đồng giá xăng dầu theo đề xuất của Bộ Tài chính) đã làm nức lòng dư luận cả nước. “Việc giảm giá xăng là có cơ sở, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề này... Tài chính luôn theo sát và không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Những vấn đề do Nhà nước điều hành khách quan dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hoàn toàn có trách nhiệm để bù đắp, nhưng bù đắp những chi phí hợp lý chứ không thể nào đi gánh những khoản bất hợp lý của thị trường” - Bộ trưởng Huệ khẳng định. Cùng với khẳng định này Bộ trưởng Huệ cũng đưa ra tuyên bố khá cương quyết: “Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước " - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói “Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ  này.

Hàng loạt những câu nói “đanh thép” và quyết đoán về quản lý công tác tài chính, điều hành xăng dầu,… của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã gây “chấn động” trên các phương tiện đại chúng. Lục lại phát ngôn của ông sau nhậm chức, thấy rằng ông đang thực hiện những điều đã tuyên bố: Sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ, lãi trong lĩnh vực vốn nhạy cảm, rất tác động tới đời sống nhân dân này”.


Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Sẽ can thiệp để công chức có nhà ở"

Trong một bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng  nói: ưu tiên hàng đầu của ông là phát triển chung cư sở hữu có thời hạn và nhà cho thuê ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu của công chức, viên chức tại các đô thị: "Thời gian tới chúng ta cần phát triển mạnh nhà ở xã hội. Đây là các loại nhà dành cho những người không có điều kiện tiếp cận với nhà ở thị trường hàng hóa, trong đó có đội ngũ công chức, viên chức, người nghèo ở đô thị, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người không có thu nhập. Trong loại nhà ở xã hội này sẽ phân ra nhiều nhóm, gồm căn hộ chung cư bán giá rẻ, căn hộ cho thuê và trả góp giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ và nhà cho những người không có tiền để thuê (như người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người mất sức lao động không có thu nhập…). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập trung bình là những đối tượng có thể mua hoặc thuê nhà giá rẻ", ông Dũng phát biểu.

Lâu nay, cơ chế lãnh đạo tập thể nảy sinh hiện tượng không ai chịu trách nhiệm cá nhân khi có sai phạm.  Trong nhiều trường hợp, người đứng đầu né tránh, ẩn mình trong trách nhiệm tập thể. Tất nhiên mới hơn 3 tháng trôi qua một đoạn rất ngắn của nhiệm kỳ. Từ phát ngôn ấn tượng đến hành động ấn tượng cũng còn cần rất nhiều sự kiểm chứng của thực tiễn. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng: Các bộ trưởng đã thể hiện được quan điểm riêng của mình về những vấn đề bức xúc mà dư luận đặc biệt quan tâm như giao thông, ngân hàng, giá cả, xăng dầu, điện nước... Có thể là còn quá sớm để khẳng định điều gì nhưng với những phát ngôn và hành động bước đầu của các Bộ trưởng, người dân có quyền hy vọng sẽ có những luồng gió mới, mang lại một diện mạo mới cho từng lĩnh vực nói riêng và chính sách cũng như hiệu quả điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới nói chung.