Người đàn bà trở về sau 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc (1)

ANTĐ - Sau 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, ngày 18-11, bà Bùi Thị H.N. (SN 1952, trú xóm 2, xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trở về nhà trước sự ngỡ ngàng, mừng tủi khôn xiết của con cháu, người thân và hàng xóm láng giềng,…
Sự trở về bất ngờ

Sau những chuỗi ngày dài chịu biết bao đắng cay, tủi nhục nơi đất khách quê người, ngày bà Bùi Thị H.N. trở về đoàn tụ với chồng, với con, thì ông Nguyễn Đoàn D. - chồng bà H.N., đã mất. Gặp lại 3 người con nay đã khôn lớn, bà N. mừng mừng, tủi tủi, ôm chặt lấy con, cháu không rời.
Trước bàn thờ chồng, bà N. thắp nén hương nức nở: “Vì khó khăn mà tôi rời xa quê hương, cũng chỉ mong kiếm miếng cơm, manh áo, ai ngờ lại bị lừa và gặp biết bao bất hạnh, tưởng rằng sẽ không bao giờ có ngày trở về. Tôi cũng đã hi vọng khi về quê vẫn còn gặp được ông, nhưng không ngờ ông đã không còn nữa. Xin ông hãy tha thứ cho tôi đã không sống trọn kiếp vợ chồng. 17 năm qua tôi cũng tủi nhục, đau đớn lắm ông ơi..."

Bà N. thắp nén hương khóc thương chồng

Bế đứa con nhỏ đứng kế bên, chị Nguyễn Thị G., con gái bà N. không cầm được nước mắt, chị ngước nhìn lên bàn thờ bố nức nở: “Bố ơi, mẹ đã về đây rồi bố ơi! Khi mẹ mất tích, bố đã bắt chúng con đi tìm mẹ về mà không tìm được, bố quá sầu buồn mà ốm đau chết, giờ mẹ về thì bố không còn bố ơi...".
"Khi mẹ mất tích anh em chúng tôi và mọi người đã đổ xô đi tìm nhưng không thấy. Sau 17 năm, khi đã không còn một tia hy vọng thì mẹ tôi trở về, chúng tôi vui bao nhiêu thì thương mẹ bấy nhiêu", anh Nguyễn Trọng T., con trai trưởng của bà N. nói trong nghẹn ngào.
Bà Bùi Thị Túc (65 tuổi) và Bùi Thị Hinh (67 tuổi), con bác của bà N. trú tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, dù mưa gió, nhưng khi nghe được tin em gái mình về đã lặn lội đến để tận mắt nhìn thấy em, ôm chặt người em mà không dám tin là em đã về. Không nói được câu nào, 3 chị em đầu đã bạc cứ ôm nhau khóc nức nở như những đứa trẻ, khiến những người có mặt cũng không cầm nổi nước mắt.

Sự nghèo khó và ngày định mệnh 

Trở về sau 17 năm lưu lạc nơi xứ người, sức khỏe và tâm lý của bà N. vẫn chưa ổn định. Mặc dù vậy bà không thể quên được cái ngày định mệnh, mà vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên bà nhẹ dạ cả tin vào kẻ lừa đảo để rồi phải ly tán suốt 17 năm qua với vô vàn cơ cực, tủi nhục. 
Trong giây phút đoàn tụ với gia đình, bà N. không giấu được cảm xúc tủi hờn kể lại.
Vào một ngày gần cuối tháng 3 - 1997 (âm lịch), bà N. (lúc ấy đã 46 tuổi), trong lúc đang ngồi trông đứa cháu ngoại mới 3 tháng tuổi, thì thấy người hàng xóm là Nguyễn Thị Phán (quê ở xã Kỳ Tây - Kỳ Anh, lấy chồng về ở gần nhà) sang chơi, trong câu chuyện bà Phán rủ bà N. ra Hà Bắc (tỉnh Hà Bắc cũ) nấu rượu thuê để kiếm tiền.

Bà N. khóc nức nở trong vòng tay gia đình

"Bà Phán hứa với tôi như đinh đóng cột là ra ngoài đó làm thì lương sẽ là 500 nghìn đồng/tháng", bà N. kể.

Ít ngày sau đó bà Phán gọi bà N. sang nhà để bàn chuyện đi làm ăn, lúc đó có thêm một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hạnh, được giới thiệu là em gái của bà Phán.

Hạnh nói hiện tại ở ngoài Hà Bắc đang cần người dạy nấu rượu (vốn dĩ bà N. nấu rượu có tiếng trong làng) và rằng, cố gắng thu xếp đi với Hạnh một chuyến, bà N. sẽ kiếm bội tiền.
Để lấy được lòng tin của bà N., Hạnh mang theo nồi nấu rượu đến nhà và bảo bà N. thu xếp nhanh để 2 chị em đi ra Hà Bắc.
"Do hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó rất khó khăn, việc đồng áng thì đã xong xuôi và được hứa với mức lương cao, nên tôi đã thu xếp việc gia đình để đi ít tháng kiếm thêm chút tiền về phụ giúp gia đình bớt cơ cực. Nhưng có ngờ được là bị lừa…", bà N. nghẹn ngào.
Chiều 28-3-1997 (âm lịch) bà N. để lại chồng con nơi quê nghèo và theo Hạnh đón xe ra Bắc. Chuyến đi định mệnh ấy đã đưa bà N. đi thẳng lên biên giới Việt - Trung.
"Đến bến xe ở bên Trung Quốc, Hạnh bảo tôi xuống xe và chúng tôi tiếp tục đi bộ. Tôi nói, đây là ở Trung Quốc rồi, tại sao lại đi Trung Quốc chứ không phải đi Hà Bắc nấu rượu. Hạnh chỉ trả lời, sang đây cũng nấu rượu được. Cô ta dẫn tôi đến một vùng đất xa xôi, xa lạ, trên đường đi bị một số người lạ mặt đánh đập, tôi cầu xin tha cho tôi để tôi trở về nhà nhưng họ không chấp nhận. Sau đó Hạnh đã bán tôi cho một người đàn ông Trung Quốc nghèo, không có vợ ở một vùng quê miền núi heo hút mà tôi không bao giờ nhớ tên”, bà N. kể lại trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Bắt đầu từ đó, bà N. trải qua những tháng ngày dài tủi nhục và đắng cay nơi đất khách quê người.

Kỳ 2: 17 năm, 2 đời chồng, đắng cay nơi xứ người