Người cha của những “vầng trăng khuyết”

ANTĐ - Từng là một đại uý cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Công an tỉnh Thái Bình, ông Phí Văn Tinh ở ngõ 707 Lý Bôn, phường Trần Lãm, TP Thái Bình khi về hưu đã quyết định nhận những đứa trẻ lang thang, mồ côi về nuôi dưỡng.

Niềm vui của ông Phí Văn Tinh là chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ bất hạnh

Người cha của 251 đứa con

Khi chúng tôi đến Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của ông Phí Văn Tinh, dù là trung tâm tư nhân nhưng có một khuôn viên rộng rãi và ấm cúng đặc biệt. Ông Tinh giới thiệu: “Từ ngày thành lập trung tâm đến nay, tôi đã nuôi dưỡng được 251 cháu. Vỗ về những đứa trẻ như con mình, ông Tinh chia sẻ: “Đứa nào cũng gọi tôi bằng... bố. Nuôi chúng tuy vất vả, nhưng đó là niềm vui mà tôi có được!”.

“Năm 1992, khi đi công tác ở Hải Phòng, thấy 3 đứa trẻ chừng 13 - 14 tuổi, khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới ngồi nhai bã mía ở lề đường, tôi thuê người tắm giặt, mua quần áo mới rồi đưa về nuôi, với mong muốn dạy dỗ và tìm việc làm cho chúng. Sau khi đưa những đứa trẻ này về, tôi bắt tay vào thành lập Xí nghiệp Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất thảm thêu để lo liệu cuộc sống cho chúng” - ông Tinh cho hay. Thế rồi, nhiều đứa trẻ lang thang khác đã tìm về đây. Và như duyên nợ, việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, lang thang không nơi nương tựa đã gắn bó với ông gần 20 năm qua.

Năm 1993, tổ ấm tình thương của ông Tinh thu hút được một số lượng lớn trẻ lang thang nên UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định cho phép ông thành lập Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Lúc đó để có bữa ăn cho các cháu, ông Tinh đã làm đủ nghề từ bán báo dạo, bán hương đến nuôi gà, nuôi lợn để kiếm tiền.

Điều đáng mừng là những đứa trẻ ông Tinh nhận về nuôi đều được đào tạo nghề. Nhưng để có được niềm vui ấy, ông Tinh đã phải lang thang khắp nơi tìm việc làm cho hơn 50 trẻ mồ côi. 

Chị Thuý và những đứa trẻ 

Hi sinh hạnh phúc riêng

Ngay từ khi biết tin chồng nhận trẻ lang thang về nuôi, vợ và các con ông không đồng ý. Ai cũng khuyên, về hưu lo mà  an dưỡng tuổi già, cưu mang làm chi cho khổ. Thế nhưng ông đã quyết là làm. Hôm tôi về, vợ ông cũng vừa bỏ đi vì không chịu nổi tiếng khóc của trẻ. Ông bảo: “Tôi thấy buồn vì không có sự đồng cảm của vợ! Với tôi những đứa trẻ này như con mình sinh ra, nên phải có trách nhiệm, phải nuôi dạy chúng nên người!”. 

Đến giờ đã gần 20 năm ròng rã nuôi trẻ lang thang, có hàng trăm lượt trẻ mồ côi đã đến rồi đi từ trung tâm này, nhưng những kỉ niệm về từng gương mặt, từng thân phận, từng cảnh ngộ thì ông Tinh còn nhớ rất rõ. Điều mà ông Tinh mừng là trong số trẻ lang thang mà ông đưa về, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Các gia đình nhỏ này khi cưới đều được ông cấp nhà cho ở ngay trong khuôn viên trung tâm. 

Chị Hồng, một trong những thành viên đầu tiên được ông Tinh đưa về trung tâm, tâm sự: “Khi còn nhỏ tôi bị gia đình ruồng bỏ. 30 tết không có chỗ ở, lang thang khắp các xó đường, sau đó được bố Tinh đưa về nuôi dưỡng. Tôi mới lấy chồng sinh con, nhưng chồng bị nghiện nên giờ trở về “mái nhà” của bố Tinh”.  

Bản lĩnh người chiến sĩ công an

Tính đến nay, ông Tinh đã nuôi dưỡng được 251 trẻ mồ côi. Dù nhiều lúc, trung tâm gặp không ít khó khăn. Năm 1996, cơn bão số 3 đổ bộ vào Thái Bình khiến trung tâm đổ nát… Lúc đó để có tiền lo liệu cuộc sống cho những đứa trẻ và xây lại trung tâm, ông đã phải bán đi một nửa diện tích đất mình có. 

Mỗi tháng tính chi tiêu tiền công và lo lắng cuộc sống cho các cháu, ông Tinh phải bỏ tiền nhà ngót gần 20 triệu đồng. Chị Thúy, người được ông Tinh nhờ chăm sóc các cháu cho biết: “Nhiều bữa, hết sữa cho các cháu uống, dù nửa đêm ông Tinh vẫn lặn lội đi mua”.

Cuộc sống ngày càng khó khăn nên vào năm 2003, ông Tinh đã thành lập Công ty Bảo vệ để kiếm tiền nuôi trung tâm. Ông Tinh cho biết: “Khi mở Công ty, tôi đã tập hợp được nhiều chiến sĩ công an nghỉ hưu về làm việc. Công việc chủ yếu là tham gia đào tạo bảo vệ, phục vụ công tác an ninh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực này”.

Ông Tinh chia sẻ, xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh éo le. Có những em nhỏ có cha có mẹ mà cũng như không. Các em bị vứt bỏ, bị ruồng rẫy, nếu người lớn không giúp các em thì thật tội nghiệp. Với hàng trăm em bị tật nguyền do chất độc da cam, cha mẹ sinh ra thấy con cái không hoàn thiện cũng đành tâm vứt bỏ. Nếu người ta đem đến các trung tâm từ thiện thì chẳng nói làm gì, đằng này họ vứt bỏ các em ở bất cứ nơi đâu. Có thể đó là đống rác, vỉa hè, thậm chí ngay tại những nơi hẻo lánh mà chẳng mấy ai đến. Nguy hiểm luôn rình rập các em, vì thế với bản lĩnh của một chiến sĩ công an, ông Tinh vẫn thường một mình “trinh sát” đến những nơi vắng vẻ để đi tìm những “vầng trăng khuyết” kém may mắn khi bị bỏ rơi.

Ông bảo rằng: “Cuộc sống đã lấy đi của các em thứ thiêng liêng nhất là tình cảm. Vậy thì mình cũng phải bù đắp cho các em bằng tất cả tình thương và sự ấp ủ để chúng vơi đi mặc cảm. Làm người, ai cũng phải có gia đình, cha mẹ và tôi nguyện suốt đời bù đắp cho các em tình cảm ấy”.