Họa sĩ Hoàng Tích Chù sinh ngày 18-2-1912 tại địa phương sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng là làng Phù Lưu, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình nổi tiếng, có cha là Hoàng Tích Phụng từng là tri huyện thanh liêm sau tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục. Gia đình ấy đã sinh ra những tài hoa cho đất nước đó là nhà báo Hoàng Tích Chù, người đi tiên phong trong cải cách báo chí Việt Nam quốc ngữ buổi ban đầu, đó là Hoàng Tích Linh - nhà viết kịch, Hoàng Tích Chỉ nhà điện ảnh và Hoàng Tích Tô một bác sĩ Y khoa.
Từ năm lên 10 Hoàng Tích Chù đã ra Hà Nội học. Thời thanh niên, ông tham gia Ban kịch ở Hà Nội. Sau khi tham gia diễn vở Con Mèo Đen ông thôi học. Năm 24 tuổi, Hoàng Tích Chù thi đỗ vào trường Mỹ Thuật Đông Dương cùng học với các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước, Nguyễn Văn Tỵ...
Là một sinh viên có tài năng, năm thứ hai ông được nhà trường cho đi vẽ ở Campuchia. Tại đây, sau khi trưng bày tranh cùng Bùi Trang Chước, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Tích Chù nhận được giải thưởng của Hoàng gia mang tên Ăng ko. Năm 1943 tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông mở xưởng vẽ tranh sơn mài ở Hà Nội và tham gia Triển lãm Salon Unique (Duy nhất) và triển lãm FARTA một tổ chức có tinh thần dân tộc với biểu trưng là ngôi đình như là mái nhà chung của hội họa Việt Nam. Bức sơn mài bình phong vẽ cảnh Chùa Thầy nổi tiêng của ông hiện đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được sáng tác trong thời gian này.
Trong thời gian đi học, Hoàng Tích Chù tham gia hoạt động cách mạng thời Mặt trận bình dân, tham gia Hội truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và sáng tác phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc triển lãm đầu tiên của chế độ mới, ông tham gia với bức Hoa đăng vẽ những cô gái Hà Nội tay cầm đèn lồng vui đón ngày độc lập. Bức sơn dầu này sau do nhà sưu tập Đức Minh sở hữu. Bức tranh cổ động Độc lập hay là chết của ông được đánh giá cao thể hiện thái độ dứt khoát của nhân dân Việt Nam đối với cách mạng. Tại cuộc triển lãm tháng 8-1946 mừng một năm độc lập, Hoàng Tích Chù gửi hai bức tham gia đó là bức Vịnh Hạ Long và Nữ sinh tham dự và được giải thưởng Chính phủ cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhà điêu khác Nguyễn Thị Kim...
Thời gian này Hoàng Tích Chù được Nhà nước giao nhiệm vụ cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ tổ chức thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, ngôi trường mỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam mới. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng anh em văn nghệ sĩ theo kháng chiến lên Việt Bắc mở xưởng tranh, lập ban kịch Phương Đông và tham gia Vệ Quốc đoàn... Ông từng được giao phụ trách các xưởng vẽ phục vụ kháng chiến tại chiến khu 12. Năm 1951 ông trở lại Hà Nội để hoạt động bí mật nội thành.
Năm 1953 ông bị địch bắt giam, tra tấn dã man, sau do không khai thác được gì chúng đành thả ông. Mặc dù bị quản thúc ở Hà Nội nhưng ông vẫn nối liên lạc với tổ chức Đảng và hoạt động cho đến ngày Thủ đô giải phóng 1954. Sự nghiệp hội họa của Hoàng Tích Chù được khẳng định về mảng tranh sơn mài. Đó là một đóng góp của ông làm nên bản sắc mỹ thuật Việt cùng người đồng nghiệp lớn Nguyễn Gia Trí làm rạng danh tranh sơn mài Việt Nam. Sơn mài của Hoàng Tích Chù sáng tạo và có lối vẽ riêng. Ông đã đi tìm thêm màu sắc làm phong phú cho sắc màu sơn mài. Đó là màu xanh gần gũi thiên nhiên gần như lần đầu thử nghiệm và xuất hiện trong sơn mài. Bức Tổ đổi công cấy lúa thành công không chỉ ở nội dung tư tưởng mà còn ở cách thể hiện và nhất là thành công ở sự pha trộn màu sắc.
Trong tác phẩm ấy ta thấy có nền trời lam mỏng, trong suốt có những đám mây trắng, khóm tre vàng, và núi cùng nước mang màu xanh và áo các cô gái Thái có màu sắc xanh và trắng như hòa hợp giữa không gian núi non trùng điệp thật là một tuyệt tác... Bức Cấy lúa hiện thuộc Bảo tàng Phương Đông (Nga), bức Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi hiện ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mang màu sắc gần gũi đồng quê... Năm 1956 ông về trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, làm chủ nhiệm Khoa Sơn mài. Ngoài giảng dạy sáng tác, ông còn tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên mỹ thuật Trung Quốc, Bungaria, Indonesia... Năm 1969 ông về làm Viện Trưởng viện Mỹ thuật Hà Nội. Có thể nói cả cuộc đời sáng tác của mình, Hoàng Tích Chù ca ngợi cuộc sống lao động và chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Tác phẩm qua bàn tay tài hoa ấy mang vẻ đẹp riêng góp phần tô thắm cuộc đời.
Hàng trăm bức họa của ông sống mãi với thời gian. Ông là một trong những người đưa sơn mài thành một ngành hội họa gắn với mỹ thuật nước nhà. Với những đóng góp cho nền hội họa Việt Nam, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương Lao động, Huân chương kháng chiến, và cao hơn là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Về già, con người nghệ sĩ trong con người ông lại bùng lên ngọn lửa sáng tạo khi nhiều bức vẽ mới lạ ra đời như một hiện tượng. Những bức Nhịp điệu vũ trụ, (hay Tiếng hát hòa bình trên những vì sao), Đuổi nghé được vẽ khi nghệ sĩ đã vào hàng tiên ông. Bị bệnh tật nằm liệt một thời gian nhưng không hiểu có sức mạnh nào thôi thúc, ông bỗng nhiên ngồi dậy và tiếp tục vẽ và phục chế tranh cũ ở tuổi 90.
Đi bên cạnh đời người họa sĩ lớn Hoàng Tích Chù có người con gái Hà Nội Hoàng Diệu Trinh. Bà đã yêu thương chàng sinh viên Mỹ thuật Đông Dương từ thuở hàn vi, khi anh thiếu tiền đi thuê mẫu vẽ. Từ yêu thương bà tự nguyện làm mẫu vẽ cho người yêu, tự bỏ tiền thuê trang phục... Có lẽ vì mến mộ một nghệ sĩ mà bà đã gắn đời mình với ông từ đó.
Về già, khi chồng mất, bà khuyến khích người con trai làm tranh sơn mài như một cách giữ nghiệp cha...
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Hoàng Tích Chù Ngày 17-2- 2012, Hội Mỹ thuật VN tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ Hoàng Tích Chù (1912-2003), nguyên Uỷ viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I, nguyên Chủ nhiệm khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội. |