“Ngoại giao vaccine” tạo thành quả để có thêm nhiều nhất, nhanh nhất vaccine tiêm cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiến lược “ngoại giao vaccine” mà Việt Nam triển khai chủ động và kiên trì ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp Việt Nam có thêm hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021.
Vaccine Sputnik V của Nga đang được đóng chai ở Việt Nam

Vaccine Sputnik V của Nga đang được đóng chai ở Việt Nam

Các cấp, các kênh đều tham gia “ngoại giao vaccine”

Tối 25-9, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Mỹ, từ ngày 18 đến 24-9. Trong khoang máy bay chuyên cơ của Chủ tịch nước là 1 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng nhiều vật phẩm y tế trị giá 8,8 triệu USD của các đối tác Mỹ và 1.000 máy tạo oxy trợ thở mà kiều bào ta tại Mỹ hỗ trợ. Bên cạnh kết quả của ngoại giao đa phương, song phương, dấu ấn “ngoại giao vaccine” càng làm cho chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thêm thành công.

Vận động hỗ trợ vaccine và phòng, chống dịch bệnh đã trở thành chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam ở các cấp, các kênh. Kết quả thu được nổi bật nhất là dù nguồn vaccine trong nước chưa đủ cho toàn dân, Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam. Nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vaccine cho Việt Nam, như: Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn 1 triệu liều vaccine vào giữa tháng 10-2021, Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều, Công ty Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

Trước đó, kết quả chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Bỉ và thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ ngày 5 đến 11-9, cũng là minh chứng cho việc triển khai quyết liệt “ngoại giao vaccine” trên thực tế. Trên khoang máy bay của Chủ tịch Quốc hội về Việt Nam có 100 nghìn liều vaccine mà Bỉ hỗ trợ cho Việt Nam. Ngoài Bỉ, Slovakia cũng hỗ trợ 100 nghìn liều vaccine và cam kết nhượng lại nhiều triệu liều khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng. Ngay sau khi về đến Việt Nam, số vaccine và vật tư, thiết bị y tế này đã được triển khai ngay vào các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thành công của “ngoại giao vaccine” còn thể hiện qua chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn từ ngày 25 đến 28-9. Phía Nga đã cam kết trợ giúp Việt Nam trong đối phó với Covid-19, trong đó có việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V cũng như việc chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V tại Việt Nam. Hiện tại, Công ty VABIOTECH của Việt Nam đã đóng chai thành công vaccine Sputnik V và đã nhận được giấy chứng nhận đạt yêu cầu từ Viện Gamaleya, nơi sáng chế ra vaccine Sputnik V. Trong thời gian tới, VABIOTECH tiến hành đóng chai đại trà với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Trước mắt, Nga đã chuyển sinh phẩm để VABIOTECH thực hiện đóng chai 1 triệu liều và toàn bộ số vaccine này sẽ được phân phối ở Việt Nam.

Chủ động và kiên trì triển khai chiến lược “ngoại giao vaccine” đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp Việt Nam có thêm hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 để tiêm cho người dân

Chủ động và kiên trì triển khai chiến lược “ngoại giao vaccine” đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp Việt Nam có thêm hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 để tiêm cho người dân

Nhiều kết quả từ 3 hướng triển khai “ngoại giao vaccine”

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên việc tiếp cận và tiêm chủng vaccine đã trở thành ưu tiên trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine khan hiếm và tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vaccine trên toàn cầu như hiện nay, triển khai “ngoại giao vaccine” và nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Đây thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế với mục tiêu làm sao có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất tiêm chủng cho nhân dân, đồng thời đóng góp chung cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu.

Trong thời gian vừa qua, “ngoại giao vaccine” đã được triển khai bài bản và quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận các nguồn vaccine. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

Đi vào triển khai, “ngoại giao vaccine” đã được tiến hành theo 3 hướng. Trước hết, ưu tiên đôn đốc triển khai các cam kết theo hợp đồng mà Chính phủ đã ký kết với các hãng vaccine lớn. Thứ hai, huy động các mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương, hữu nghị để tiếp cận các nguồn vaccine thông qua các hình thức như viện trợ, thương mại và vay từ các nước. Thứ ba, đẩy mạnh ký kết hợp đồng với các hãng vaccine lớn trên thế giới cũng như tìm hiểu, thúc đẩy các cơ hội hợp tác để có thể sớm chuyển giao công nghệ, tiến tới sản xuất vaccine trong nước.

Đến nay, “ngoại giao vaccine” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10-2021, Việt Nam sẽ có thêm 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Riêng trong tháng 9-2021 sẽ có 16-17 triệu liều đến Việt Nam từ các nguồn khác nhau. Trước đó, trong tháng 8-2021, Việt Nam đã huy động được 33 triệu liều vaccine. Ngoài vaccine, Việt Nam cũng đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ.

Việt Nam còn tham gia tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine. Tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới hồi tháng 7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ hạnh phúc nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid 19. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn” nhân dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vaccine, trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất vaccine ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xóa bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vaccine. Tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000USD vào quỹ vaccine toàn cầu, được thế giới ghi nhận.