Nghiên cứu dự án xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô hơn 66.500 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án đầu tư xây dựng đường  vành đai 4- Vùng Thủ đô có chiều dài 98 km, quy mô cao tốc 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định giao Ban QLDA 2 tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Ban QLDA 2 sẽ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án với mục tiêu gồm việc hình thành vành đai đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các địa phương trong vùng Thủ đô, giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội.

Kết nối mạng lưới giao thông vùng, mạng lưới giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả của các tuyến cao tốc đang khai thác trong vùng Thủ đô;

Tạo bước phát triển đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ, công nghiệp cho các địa phương trong vùng Thủ đô nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và giao thông Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch.

Đường vành đai 4- Vùng Thủ đô có chiều dài 98km đường cao tốc

Đường vành đai 4- Vùng Thủ đô có chiều dài 98km đường cao tốc

Thời gian thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là từ năm 2020 đến 2022.

Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 2 có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các Bộ, địa phương tại các văn bản tham gia ý kiến về việc triển khai đầu tư hệ thống đường vành đai vùng Thủ đô và phối hợp, làm việc với các địa phương để kế thừa toàn bộ các kết quả đã và đang nghiên cứu triển khai, bảo đảm quyền hợp pháp của các chủ đầu tư đã tham gia các dự án thành phần trước đây.

Theo Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4, tuyến đường này chiều dài 98 km, quy mô cao tốc 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.

Đến nay, mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19km), tỉnh Bắc Ninh (21km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Vào tháng 6/2020, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 – Vùng Thủ đô qua địa phận Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 – Vùng Thủ đô đi qua tổ chức triển khai đầu tư.

Theo UBND TP Hà Nội, tuyến đường vành đai 4 được địa phương xác định là một trong những công trình giao thông quan trọng, tập trung kêu gọi đầu tư.

Thành phố đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước (hai dự án BT và một dự án BOT) gồm: đoạn từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Quốc lộ 32 – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng do Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư theo hình thức BT.

Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 13,9km, có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh đề xuất theo hình thức BOT (bao gồm cả cầu Mễ Sở và hai đầu cầu).

Cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6 km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất. Cầu Hồng Hà có phía Bắc tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.