Bài toán quản lý chi phí đầu tư công ở Điện Biên:

Nghịch lý tỉnh nghèo

ANTĐ - Điện Biên là một tỉnh nghèo. Để đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp (CN) ở địa phương, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã ra sức khuyến khích các sở, ban, ngành, nhà đầu tư trong tỉnh sử dụng sản phẩm CN trên địa bàn, trong đó có sản phẩm xi măng Điện Biên (XMĐB). Trớ trêu thay, chủ trương này của tỉnh đã gặp không ít khó khăn vì chuyện “bằng mặt nhưng không bằng lòng” của một số cơ quan trong tỉnh…

Nhà đầu tư công trình Bệnh viện đa khoa TP Điện Biên Phủ đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư sử dụng XMĐB


“Đi ngược” chủ trương của tỉnh!

Nhà máy XMĐB do Công ty cổ phần XMĐB làm chủ đầu tư, được đầu tư quy hoạch theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghệ xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện Nhà máy XMĐB đi vào hoạt động, duy trì vận hành 100% công suất thiết kế để phục vụ các công trình thủy điện như: Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Nậm Na 1, 2, 3 (tỉnh Lai Châu); Thủy điện Nậm Mức, Nậm He (tỉnh Điện Biên); Thủy điện Tà Cọ (tỉnh Sơn La) và một số công trình, dự án CN, dân dụng. Tuy nhiên, đối với những công trình được đầu tư, xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thì XMĐB không được đưa vào sử dụng vì lãnh đạo một số sở cho rằng, chất lượng… kém!?

Trong khi đó, nhiều văn bản gần đây do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ký và khẳng định: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có duy nhất Công ty cổ phần XMĐB (công suất 1.000 tấn clinker/ngày) nằm trong cụm CN Na Hai, Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang. Đây là một trong những cơ sở sản xuất trọng điểm về CN nói chung và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng trên địa bàn tỉnh. Việc sử dụng XMĐB trong thi công các công trình sẽ tác động tích cực đối với mục tiêu kích cầu, phát triển sản xuất CN, tạo việc làm và tăng thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do một số chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng tại địa phương không sử dụng sản phẩm XMĐB khiến nhà máy gặp rất nhiều khó khăn”.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có nội dung, thực hiện tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích sử dụng CN xi măng địa phương, mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Cty CP XMĐB. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn kết luận: “Để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy XMĐB và đảm bảo cho nhà máy tiếp tục hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh giao các ngành, đơn vị phối hợp triển khai…”.

Thế nhưng, “đi ngược” chủ trương của tỉnh, trả lời báo chí về chất lượng XMĐB, ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT Điện Biên đã “đẩy” UBND tỉnh Điện Biên vào thế khó. Ông Giang ví dụ và cho rằng, sản phẩm XMĐB như mớ rau, kiểm định chưa đạt tiêu chuẩn, không đồng đều: “Bác bán mớ rau này, hôm nay thì nó được loại A, hôm sau nó lại loại B, ngành chúng tôi thì thật sự tôi chưa dám cho dùng! Mặc dù tôi muốn đưa nó (XMĐB - PV) vào những công trình rất đơn giản như là rãnh xây, hoặc là những công trình không có ảnh hưởng lớn để khuyến khích phát triển cho xi măng địa phương. Tôi rất muốn như thế nhưng bây giờ tạm thời chưa được!” - ông Giang nói.

“Nghèo nhưng thích chơi sang”

Liên quan đến việc ông Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đình Giang công bố chất lượng XMĐB với báo chí, ông Lê Thành Đô - Phó chủ tịch UNND tỉnh Điện Biên cho rằng: “Bản chất sự việc diễn ra như thế nào tôi chưa nắm rõ nhưng khi tỉnh đã có chủ trương mà lại có một số đơn vị không ủng hộ, lý do thì thiếu thuyết phục, như vậy là không được!”.

Cũng tại buổi làm việc với các phóng viên, ông Lê Thành Đô cho biết: “Chất lượng sản phẩm của Công ty XMĐB đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KHCN) công nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam nhưng thực tế, nhiều công trình xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách trên địa bàn không sử dụng XMĐB có cùng tiêu chuẩn chất lượng, giá thành thấp. Sắp tới, UBND tỉnh Điện Biên sẽ có văn bản yêu cầu tất cả chủ đầu tư phải tăng cường công tác quản lý chi phí xây dựng công trình theo hướng là phải lựa chọn tất cả các loại vật liệu xây dựng, không những chỉ xi măng. Nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo thiết kế của công trình và có giá thành thấp nhất, để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng của đồng vốn ngân sách”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các công trình đang thi công bằng vốn ngân sách của nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chủ yếu sử dụng những sản phẩm xi măng như: Bút Sơn, Vissai… có mác tương đương XMĐB nhưng giá cao hơn từ 500-800 nghìn đồng/tấn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến sản phẩm XMĐB lại bị “lép vế” ngay trên sân nhà?

Tại công trình xây dựng Bệnh viện đa khoa TP Điện Biên Phủ, ông Ngô Văn Bút - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Ánh Tuyết cho biết: “Chúng tôi chỉ biết thi công, chủ đầu tư chỉ định thế nào chúng tôi làm thế. Khi phê duyệt dự án đã là xi măng Bút Sơn và Vissai rồi. Chúng tôi cũng rất muốn sử dụng XMĐB vì chất lượng tương đương mà giá thành thấp hơn. Nếu dùng XMĐB, nó có lợi rất nhiều như không phải lưu kho, gọi là có, thậm chí tiền còn được trả chậm... Hiện chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, đề nghị cho sử dụng XMĐB vào hạng mục các công trình đang thi công do sở làm chủ đầu tư ”.

Theo ông Nguyễn Vân Chương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên: “Một số lãnh đạo sở cho rằng, XMĐB chưa đạt chất lượng, vậy thủy điện Lai Châu - thủy điện quốc gia đã sử dụng lại không bằng mấy cái cầu đường nhỏ trong tỉnh này à? Việc một số ngành chưa vào cuộc đặt ra câu hỏi phải chăng có sự tồn tại về lợi ích nhóm?”.

Lại có dư luận cho rằng, việc “phết phẩy”, khi mua xi măng cùng mác của các hãng khác giá cao hơn, tất nhiên số phần trăm “lại quả” cũng nhiều hơn nên đã chi phối khá chặt các quyết định phê duyệt dự án. Nếu tính đúng, tính đủ, việc đưa sản phẩm xi măng từ dưới xuôi lên Điện Biên xa đến trên 500km, tự nó cũng đã làm tăng giá thành xi măng. Đấy là chưa tính đến xe ôtô chở nặng phá đường, gây ô nhiễm môi trường, “bóp chết” công nghiệp tại chỗ ở thời kỳ non trẻ, đang góp phần tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Quả là “lợi ích nhóm” gây thiệt hại khó lường.

Nghiêm túc thực hiện chủ trương của tỉnh về việc thắt chặt quản lý chi phí đầu tư công, nhằm tránh lãng phí ngân sách cho nhà nước, Thiếu tướng Vi Văn Long - Giám đốc CAT Điện Biên khẳng định: “Qua những thông tin báo chí nêu, nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm, chúng tôi sẽ cho điều tra và có kết luận”.