Nghịch lý đến phi lý

ANTĐ - Mặc dù không nằm trong rổ hàng hóa quyết định sự lên xuống của chỉ số giá tiêu dùng và cũng không phải là “thước đo” lạm phát hoặc thiểu phát, song thị trường bất động sản luôn được các nhà phân tích, các chuyên gia “để mắt” tới. Hơn một năm rưỡi qua, họ liên tục đưa ra những nhận xét như thị trường đóng băng, trầm lắng, ảm đạm, chưa thoát đáy. Không phủ nhận những hiện tượng này, nhưng bản chất của thị trường bất động sản ở nước ta là gì?
Không thể dùng một từ ngắn gọn để nhận định một cách bao trùm. Theo số liệu của giới phân tích, từ năm 2000 đến năm 2011, giá nhà ở tại Việt Nam đã tăng hơn 10 lần, trong khi giá vàng tăng 7,3 lần, giá USD tăng 1,5 lần, lãi suất tiết kiệm gần 2,2 lần và giá tiêu dùng tăng 2,2 lần. Giá nhà ở tăng gấp 3-4 lần so với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Tính chỉ số giá nhà trên thu nhập của người dân thì Việt Nam thuộc loại “đầu bảng”.
Ở Việt Nam vào khoảng 26,6; ở khu vực Nam Á là 6,25; Đông Á là 4,14; châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25. Theo Liên Hợp quốc chỉ số này vào khoảng 3 đến 4 lần là hợp lý. Nhìn bề nổi, lâu nay dư luận thường “đổ tội” cho giá nhà tại các đô thị lớn ở nước ta bị đẩy lên quá cao chủ yếu là do đầu cơ, kích giá, “thổi” giá cộng hưởng với tâm lý mua bán theo tin đồn.

Điều này chỉ đúng một phần nhỏ, bởi nếu tại đầu cơ “đầu têu” thì chỉ có thể gây “sốt co giật” giá ảo trong một thời gian nào đó. Giỏi lắm cũng chỉ kích giá lên 10-15%, không thể tăng giá lên hàng trăm phần trăm và kéo dài nhiều năm. Thậm chí khi thị trường bất động sản “tụt dốc” và “sa lầy” như hiện nay, mà người có thu nhập trung bình cũng không dám mơ có được một căn nhà.

Vậy nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhà đất tăng cao trong một thời gian dài, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là do quản lý không minh bạch, kém hiệu quả. Không ít chuyên gia cũng thừa nhận, nguyên nhân đẩy giá bất động sản ở Hà Nội, TP.HCM thuộc loại cao nhất nhì khu vực là thời gian hoàn thành dự án kéo dài, thủ tục phức tạp, tham nhũng trong đất đai và quy hoạch xây dựng, sử dụng đất còn yếu kém.

Trong quý I/2012, thị trường nhà ở Hà Nội giảm giá kỷ lục: 53% số căn hộ chào bán dưới 1.000 USD/m2. Sang quý II, tới 100% số căn hộ chào bán với giá dưới 30 triệu đồng/m2 và một nửa trong số này có giá dưới 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng, vẫn tồn tại một nghịch lý là thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, giá cả phù hợp túi tiền người dân. Nhu cầu của người dân là căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng thị trường chủ yếu là căn hộ 2-3 tỷ đồng. Thị trường rơi vào khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu.

Nghịch lý đến phi lý của thị trường này ngày càng lộ rõ. Đâu chỉ người thu nhập thấp, ngay cả người thu nhập trung bình cũng khó với tới một căn hộ với giá 20 triệu đồng/m2. Một chuyên gia so sánh, với thu nhập bình quân đầu người 1.200USD/năm, một người làm công ăn lương phải mất 80 năm làm việc mà không chi tiêu; ngay cả một ông bộ trưởng cũng phải mất tới 40 năm mới mua nổi nhà.