Nghị viện châu Âu gây áp lực đòi EU cấm vận vũ khí đối với Ả-rập Xê-út

ANTĐ - Ngày 25-2, Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ả-rập – Xê-út, với quan điểm rằng chính phủ Anh, Pháp và các nước EU khác không nên bán vũ khí cho một quốc gia bị cáo buộc là đang tấn công dân thường ở Yemen.

Theo Reuters, Anh đã cấp phép bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út với doanh số lên đến 3 tỉ USD kể từ khi các lực lượng không quân Ả-rập bắt đầu hoạt động quân sự ở Yemen hồi tháng 3 năm ngoái. Gần 6.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột diễn ra, gần một nửa số nạn nhân là thường dân, theo thống kê của Liên Hợp Quốc. Do đó EP cho rằng, phải cấm bán vũ khí cho Ả-rập vì lí do nhân đạo.

"Các hành vi vi phạm nhân quyền ở Yemen hiện nay ngày càng trầm trọng, đã đến lúc châu Âu có nghĩa vụ phải hành động và chấm dứt bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út," Richard Howitt, một nghị sĩ trung tả người Anh, người đứng đầu chủ trương hối thúc cấm vận nói.

Nghị quyết của EP tuy không có sự ràng buộc về mặt pháp lý song các nhà làm luật hy vọng nó sẽ gây áp lực để chính phủ các nước EU ngừng cung cấp vũ khí cho Ả-rập, sau một lá thư thỉnh nguyện của 750.000 công dân châu Âu kêu gọi ban hành lệnh cấm vận. Nghị sĩ Anh Alyn Smith, một người Scotland đã lớn lên ở Ả-rập Xê-út, cũng đã trình văn bản lên Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU nhằm kêu gọi ngừng bán vũ khí.

Bé trai dương cao súng và hô khẩu hiệu
trong cuộc biểu tình chống Ả-rập Xê-út ngày 19-2 tại Yemen. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, bất kỳ lệnh cấm vận nào của EU đều sẽ đi ngược lại với chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ả-rập Xê-út sau khi Washington thỏa thuận với Iran hồi năm ngoái nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.

Các nhà lập pháp của EU đã dự tính rằng cuộc bỏ phiếu này rất có thể sẽ gặp phải sự trả đũa từ Ả-rập Xê-út, một số phái viên Liên minh châu Âu cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà lập pháp EU và cố gắng thuyết phục họ từ bỏ ý định. Thế nhưng Howitt nói rằng “Cách nhanh nhất để tránh một lệnh cấm vận vũ khí là hãy chấm dứt xung đột tại Yemen”.

 Ả-rập Xê-út đã bắt đầu một chiến dịch quân sự từ tháng 3 năm 2015 nhằm ngăn chặn phiến quân Houthi kiểm soát hoàn toàn Yemen. Đây được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Liên Hợp Quốc cho biết, hiện có 14,4 triệu người Yemen đang phải đối mặt với nạn đói, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề.