Nghị lực, khát khao chinh phục đỉnh vinh quang của chàng lực sĩ khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với ngôi Á quân ở 2 giải đấu danh giá nhất thể thao của người khuyết tật là Paralympic và Giải vô địch thế giới, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công được xem là vận động viên thành công nhất thể thao Việt Nam trong năm 2021. Đằng sau tấm huy chương của anh là nghị lực, khát khao chinh phục cùng những câu chuyện thú vị trên hành trình vượt đại dịch Covid-19 để tới vinh quang.

Nén đau giành huy chương

- PV: Xin chào anh Lê Văn Công! Trên Facebook cá nhân, anh chia sẻ nhiều bức ảnh để khép lại một năm 2021 đầy khó khăn song cũng rất thành công với bản thân. Đâu là điều anh hài lòng và còn nuối tiếc trong năm qua?

- Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công: Trong một năm thể thao ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì 2 tấm Huy chương Bạc ở Paralympic và Giải vô địch thế giới chính là thành quả khiến tôi hài lòng nhất. Song cũng có đôi chút tiếc nuối khi không thể phát huy tốt nhất phong độ bởi chấn thương vai tái phát. Vì thế, thông số thành tích (tổng cử 173kg ở Paralympic và 170kg ở Giải vô địch thế giới) kém mức tạ 183kg tôi từng thành công ở Paralympic 2016.

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công nén đau giành Huy chương Bạc Paralympic Tokyo

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công nén đau giành Huy chương Bạc Paralympic Tokyo

- Người hâm mộ đã không khỏi lo lắng khi biết thông tin về chấn thương vai khá nặng của anh và sau khi giành Huy chương Bạc, anh thậm chí phải nhờ người hỗ trợ đẩy xe lăn lên bục nhận huy chương vì cánh tay đau nhức…

- Tôi bị tái phát chấn thương vai hồi tháng 4-2021, phải thay đổi giáo án và không dám tập nặng. Đến khi thi đấu mới xịt thuốc giảm đau để bung sức cho cú đẩy cuối cùng. Sau khi giành Huy chương Bạc Paralympic, chấn thương nặng hơn, bác sĩ nói tôi bị rách sụn vai và 75% cơ vai, phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm nhưng khả năng cao là phải nghỉ thi đấu. Sau đó, tôi chọn phương án tiêm tế bào gốc, tuy thời gian điều trị kéo dài nhưng bù lại, tôi có cơ hội được thi đấu ở giải vô địch thế giới diễn ra sau đó 3 tháng.

- Giải đấu này quan trọng ra sao mà khiến anh phải lần thứ hai mạo hiểm với chấn thương?

- Đây là giải đấu bắt buộc để xét chuẩn tham dự Paralympic Paris 2024. Nếu nằm trong Top 4 thì các giải vòng loại sau mình chỉ cần có mặt, còn không, sẽ phải bung sức để tích lũy điểm mới hy vọng có cơ hội đến Thủ đô Paris của nước Pháp. Paralympic là giải đấu mà bất cứ vận động viên khuyết tật nào cũng muốn được góp mặt, để thể hiện bản thân và vị thế nền thể thao. Vì thế, tôi chấp nhận mạo hiểm. Kết quả là được bù đắp bằng tấm Huy chương Bạc nằm ngoài mong đợi, dù sau cú đẩy cuối toàn bộ cánh tay đau nhức không muốn cử động luôn (Cười)…

“Tôi rời quê Hà Tĩnh năm 2005 với hai bàn tay trắng, vào TP.HCM học nghề sửa chữa điện tử với khát khao tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, không phải dựa dẫm vào ai cả. Mình khuyết tật đôi chân thì còn đôi tay cơ mà. Đôi tay đó giúp tôi có được cái nghề, và sau khi bén duyên với cử tạ, nó còn giúp tôi có thêm những tấm huy chương, những khoản tiền thưởng…”.

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công

Rạng sáng đi… test Covid-19 để tối kịp thi đấu

- Sau khi giành Huy chương Bạc giải thế giới, anh có chia sẻ rằng trước đó mất ngủ 2 đêm, phải chăng do hồi hộp?

- Đâu có, tất cả là vì “cái con Covid-19” cả đấy (Cười). Chuyến đó đoàn lên đường muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch vì số chuyến bay bị hạn chế. Khi vừa đặt chân tới Georgia (Mỹ) thì 1 trong 4 vận động viên của đoàn Việt Nam nghi nhiễm Covid-19. Theo quy định của nước chủ nhà, toàn bộ thành viên đoàn sẽ phải cách ly theo dõi 4 ngày. Nhưng như thế sẽ lỡ lịch thi đấu.

Trong tình thế cấp bách, Trưởng đoàn Việt Nam quyết định đề nghị nước chủ nhà cho đoàn test Covid-19 ngay lập tức, nếu âm tính mới được phép thi đấu. Thế là anh em vận động viên vừa tới khách sạn, chưa kịp nhận phòng đã phải đi test Covid-19 lúc 1h sáng. Khi có kết quả thì cũng là lúc tôi phải tới nhà thi đấu để làm các thủ tục kiểm tra dụng cụ, cân trọng lượng… và chỉ kịp chợp mắt một lúc trước khi xịt thuốc giảm đau lên sàn đấu, sau đó giành huy chương rồi thì ngủ bù (Cười).

- Ngoài là vận động viên xuất sắc, tôi được biết anh còn rất giỏi sửa chữa đồ điện tử âm thanh, có cả trang trại nông sản sạch và kiêm cả môi giới bất động sản, lĩnh vực nào cũng đều thành công…\

Vận động viên Lê Văn Công tự nuôi sống bản thân, gia đình bằng đôi tay lành lặn và khát khao vượt lên số phận

Vận động viên Lê Văn Công tự nuôi sống bản thân, gia đình bằng đôi tay lành lặn và khát khao vượt lên

số phận

- Tôi rời quê Hà Tĩnh năm 2005 với hai bàn tay trắng, vào TP.HCM học nghề sửa chữa điện tử với khát khao tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, không phải dựa dẫm vào ai cả. Mình khuyết tật đôi chân thì còn đôi tay cơ mà. Đôi tay đó giúp tôi có được cái nghề, và sau khi bén duyên với cử tạ, nó còn giúp tôi có thêm những tấm huy chương, những khoản tiền thưởng. Từ đó, phát triển thêm những ý tưởng kinh doanh mới, như chung vốn với bạn bè mở trang trại rau sạch, hay mảng bất động sản, dần dà tích lũy được vài mảnh đất, xem như vốn liếng sau này cho con cái. Tôi tâm niệm, chừng nào còn sức khỏe thì còn phải cố gắng lao động.

- Nghị lực của anh là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Nhìn lại 15 năm theo nghiệp thể thao, anh tâm đắc nhất điều gì?

- Thể thao giúp tôi được hòa nhập, có sức khỏe, thành tích và thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời, những giá trị không thể đong đếm. Trong thể thao cũng như cuộc sống, khó khăn luôn tồn tại, thử thách ý chí, sự kiên trì của mỗi con người. Quan trọng nhất vẫn là nỗ lực vượt lên giới hạn của bản thân. Với tôi, thành công không phải là khi bạn vô địch một giải đấu mà là sau chức vô địch đó, bạn vẫn tiếp tục hướng tới một cột mốc khác, một giới hạn khác cao hơn để phấn đấu.

- Cảm ơn và xin chúc anh một năm sức khỏe, thành công!