Diễn viên Lê Thiện Tùng

Nghệ thuật đích thực không cần “gắn mác” ngôi sao

ANTĐ - Ba nhà văn người Hà Nội kiệt xuất mà sức sống tác phẩm lay động tâm thức độc giả xuyên thế kỷ: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng đều là các nhân vật đặc biệt mà chính cuộc đời họ thừa sức làm thành tiểu thuyết hay phim có sức nặng. Tác giả Giông Tố, Số đỏ là nhà văn Việt Nam đầu tiên được thể hiện trên màn ảnh nhỏ. Người đóng vai Vũ Trọng Phụng là Lê Thiện Tùng - diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội - một diễn viên  có khuôn mặt, hình vóc và lòng yêu nghề nổi trội trong thế hệ  diễn viên chuyên nghiệp 8X.

Người xem đã dành cho kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Vũ (Thiện Tùng) nhiều cảm mến suốt 26 tập phim Qua miền dông bão. Lê Thiện Tùng cũng đã gây ấn tượng qua vở kịch Đảo thần vệ nữ vừa mới công diễn. Gặp gỡ An ninh Thủ đô Cuối tuần, câu chuyện của một nghệ sĩ Hà Nội vào vai một nhà văn Hà Nội.

- Lần đầu tiên, một nhà văn nổi tiếng thành nhân vật của phim truyền hình. Thế mà được mời vai này, lúc đầu anh lại từ chối? Vì sao?

- Đợt đó vào cuối hè 2012, nhà hát tôi (Nhà hát kịch Hà Nội) chuẩn bị khởi dựng Đảo thần vệ nữ, tôi lo không đảm đương hết công việc, nên đã từ chối. Sau đó, NSND Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc sản xuất gọi điện lại, tôi cố gắng thu xếp và nhận lời.

- Chứ không phải do anh “choáng” vì vai quan trọng mà không dám nhận?

- Có sức mạnh là: tuổi trẻ, yêu nghề và khát vọng sáng tạo thì đâu sợ. Tôi rất cầu thị, song can đảm đối diện thử thách.

- Anh có thể chia sẻ cảm xúc của anh trước và sau khi nhận vai Vũ Trọng Phụng?

- Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo quá giỏi mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi thích đọc ông kể từ các trích đoạn tác phẩm được học, xem phim Giông tố đến lúc học diễn viên, tự lập cuộc sống. Những trang viết của Vũ Trọng Phụng chưa khi nào mất tính “thời sự”, nó sống động, sâu cay mà chứa đựng lòng nhân đạo lớn. Tôi thấy xã hội nào cũng tồn tại nhiều “Xuân tóc đỏ” và những thân phận nhỏ nhoi khổ sở. Từ khi nhận vai đến khi quay, tôi có 1,5 tháng nghiên cứu kịch bản. Và tôi đã nỗ lực tối đa.

- Là diễn viên kịch đóng phim, anh thấy làm diễn viên điện ảnh và diễn viên trên sân khấu có gì khác nhau không? Và với Trò đời thì sao?

- Phim tập hợp ê-kíp tay nghề cao, đạo diễn Nhuệ Giang lại kỹ tính. Phim truyền hình có cơ hội quay vài “đúp”  có cơ hội làm lại, khác sân khấu, nếu phạm lỗi, sẽ “chết” ngay trước mắt khán giả, song tôi tâm niệm: Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn, phải lột tả thành công. Phim hội tụ rất đông diễn viên có nghề, cơ hội của tôi ở Trò đời là không lặp lại. Tôi phân tích các nhân vật và “khu biệt không gian” khi đóng như thể mình đang sống ở Hà Nội gần 80 năm trước.

- Sinh sau Vũ Trọng Phụng đúng 70 năm, anh tìm thấy mối liên hệ nào khi đóng vai nhà văn Phan Vũ?

- Không muốn là “bản sao” nhân dạng, tôi chú ý lột tả thần thái của nhà văn.

- Anh có tự tin Thiện Tùng là lựa chọn tối ưu cho vai diễn này?

- Tôi tin ở năng lực và đam mê của mình. Quá khó cho tôi, như đã nói, tư liệu về con người Vũ Trọng Phụng ít. Con gái duy nhất của ông - Vũ Mỵ Hằng (1938 - 1996) đã mất 16 năm. Tôi nhớ chục năm trước gặp anh Minh là cháu ngoại nhà văn, anh đưa tôi về nhà ở làng Giáp Nhất, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Anh bảo, đây là ngôi nhà ông ngoại đã sống và thơ ấu mẹ anh ở đấy. Bố anh là ông Nghiêm Xuân Sơn đã đưa mộ phần ông ngoại sau 3 lần bị di dời về yên nghỉ trong khu vườn 1000m2 có nhà tưởng niệm. Anh Minh nay đã qua đời. Nghĩ lại, tôi quả là có duyên với Vũ Trọng Phụng. Tôi đã thắp hương xin ông phù hộ cho tôi hoàn thành vai diễn. Tập trung tối đa cho nhân vật, có nhiều lần đi trên phố Vũ Trọng Phụng, tôi tưởng tượng về ông, về Hà Nội thời Pháp thuộc.

- Anh có “gặp” nhà văn khi đóng Trò đời?

- Có, tôi đã gặp ông khi thực sự hóa thân. Ông sắc sảo, hài hước dựng lên Hà Nội thuở ấy như một sân khấu lắm lớp, màn với nhiều tầng lớp người, không chỉ có sự lai căng, lố bịch, tha hóa, còn là hào hoa, lịch lãm, lễ nghi, sự nhọc nhằn của tầng lớp “áo ngắn”, dân lao động nặng.

- Với sự tập trung và trân trọng như thế, nhiều cảnh khóc các phim anh đóng là khóc thật?

- Tất cả phim đóng, tôi không bao giờ dùng nước mắt giả. Nỗi xúc động thật mới lay động người xem. Tôi không ham được nhớ đến vì đóng “quen mặt” mà vì dấu ấn. Trường đoạn nhà văn chứng kiến cái chết của ông phó lý (Phú Đôn), tôi đã khóc, không chỉ nhờ kỹ năng được đào tạo, mà là lòng thương cảm. Hay trong phim  Cuộc vượt ngục thần kỳ (30 tập, ĐD Lê Đức Tiến). Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán. Từ những mảnh gỗ lượm nhặt nơi nhà tù, các chiến sĩ tù chính trị đóng thuyền, lấy áo kết buồm vượt ngục. Chỉ huy cuộc vượt ngục quả cảm và bị thương là Xuân Bách - do tôi đảm nhận. Ra biển sóng lớn, thuyền không kham nổi hết số tù vượt ngục, anh em xung phong nhảy xuống biển chết cho đồng chí ưu tú có cơ hội trở về. Tôi cùng các đồng nghiệp đã khóc khi quay cảnh này trên biển Vũng Tàu.

- Ngoại hình đẹp, là thuận lợi  anh được nhận nhiều vai chính. Được biết, anh đóng vai công an không chỉ 1 lần.

- Đúng vậy, tôi đã tham gia series Cảnh sát hình sự, rồi vai cảnh sát chống buôn phụ nữ trong phim Không chuyên án (18 tập, ĐD Lê Ngọc Linh), Đội đặc nhiệm H88 (về Công an Hải Phòng do Điện ảnh CAND thực hiện, ĐD Nguyễn Trung Thực), Phi vụ cuối cùng (ĐD Bùi Tuấn Dũng).

 - Gần nhất, khán giả sẽ xem anh trên màn ảnh nhỏ qua phim nào?

- Tôi tham gia đóng phim Hoa cỏ may của ĐD Lưu Trọng Ninh, vai Tiến, 1 trong 7 nhân vật chính, cùng Hải Anh, Công Dũng... quay tại Hà Nội, Hạ Long, phim sẽ phát trên HTV7 (Đài TH TPHCM, tháng 4-2013).

- Sự thành công của vai Xuân Bách khiến anh được ĐD NSƯT Lê Đức Tiến tín nhiệm giao tiếp vai chính nữa. Khi nào anh về Hà Nội?

- Cây trầu không (30 tập): kịch bản Trịnh Thanh Nhã (chuyển thể từ tiểu  thuyết Những người đã gặp, Cây trầu không của nhà văn Trần Thị Hằng). Phim sẽ phát trên VTV1, từ đầu năm 2014. Bối cảnh phim từ 1968 - 1986, về các chiến sĩ hải quân tàu không số. Thung là hải quân trên những con tàu anh hùng này, số phận người lính trong chiến tranh thời đổi mới, khi nhân vật luống tuổi. Khởi quay từ 20-3, tôi sẽ làm phim 3 tháng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, lại có dịp trổ tài bơi lặn. Sẽ tranh thủ chạy về Thủ đô mọi lúc có thể.

- Vì tình yêu?

- Vì công việc nhà hát, vì con trai 5 tuổi Thiện Bách. Sau hôn nhân tan vỡ, tôi hiện vẫn chưa có ai khiến tôi say mê hơn... các vai diễn. Yêu ai thì người ấy cũng cần biết quý trọng tình yêu nghệ thuật của tôi. 

- Anh muốn trở thành một diễn viên lớn?

- Đó là ước mong. Tôi rất nể NSND Hoàng Cúc ở lửa nghề và vốn văn học. Học điều ấy ở cô, tôi ý thức trang bị cho mình hiểu biết, kinh nghiệm sống để đủ sức đi lâu dài trong nghiệp diễn.

- Gần đây có xu hướng các đạo diễn “bỏ qua” diễn viên chuyên nghiệp, mời dân tay ngang đóng phim; mời cả ca sĩ, người mẫu đóng kịch, với cát sê cao gấp nhiều lần các nghệ sĩ thượng thặng, kỳ cựu. Anh buồn không?

- Không, nghệ thuật nghiệt ngã, nhưng công bằng. Những gì đích thực sẽ có sức bền và ánh sáng mà không cần gắn mác “ngôi sao” ồn ào như showbiz.