Nghệ sỹ Giáng Son không thể sống khác bản thân mình!

ANTĐ - Có người nói Giáng Son tự tin, có cá tính nhưng không màu mè. Có người lại nhận xét Giáng Son là của hiếm, bởi trong số ít nữ nhạc sỹ hiện nay kết hợp được mạch ngầm chất liệu dân gian quện đến như vậy với âm hưởng hiện đại vào từng giai điệu. Có người lại bảo nghe những ca khúc Giáng Son sáng tác man mác một nỗi buồn, nhưng buồn đấy mà dịu êm, mà bay bổng; một nỗi buồn đã được trau chuốt để sẵn sàng ve vuốt người nghe bằng sự dịu dàng. Với riêng tôi, Giáng Son là một phụ nữ duyên dáng. Còn trong địa hạt âm nhạc, Giáng Son là một chân dung khó lẫn…

- Cuộc sống đời thường của một nữ nhạc sỹ có gì khác biệt không?

- (Cười) Rất đời thường như mọi người thôi; mỗi tuần tôi đi dạy khoảng 2 buổi tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, có thể dạy cả ngày luôn. Khi làm một việc gì đó tôi muốn tập trung cao độ để không bị phân tán. Thời gian còn lại tôi dành cho những công việc khác như viết nhạc, gặp gỡ nhạc sỹ, ca sỹ, dạy thêm ở nhà...

- Công việc sáng tác của chị thường diễn ra ở đâu?

- Chắc chắn là ở nhà rồi, một không gian quen thuộc và yên tĩnh. Với lại ở nhà tôi có đầy đủ trang thiết bị, dễ dàng cần cái gì là có sẵn ngay mọi thứ... Tôi sáng tác cũng rất bất thường, đôi khi vừa mới ngủ dậy, tự nhiên nghĩ ra một cái gì đó là ngồi viết ngay lập tức. Nhưng thường là vào ban đêm nhiều hơn, lúc này tôi toàn tâm toàn ý tập trung vào “không gian - thế giới riêng” của mình để bắt đầu nghĩ và viết.  

- Thế còn cảm xúc?

- Ngôi nhà là nơi mà tôi trở về một cách bình yên nhất, những lúc mệt mỏi thì tôi trở về; còn xúc cảm thì nó đến từ rất nhiều nơi. Cảm xúc với tôi cũng có khi thật sự hơi khó hiểu, chẳng biết khi nào nó đến cả. Tôi nhớ khi mới bắt đầu sáng tác, độ 15, 16 tuổi, lúc chưa biết chút gì về sáng tác thì hoàn toàn là cảm xúc thôi, khi ấy tôi đã viết rất nhiều, ước chừng 1 năm cũng phải tới 30 bài. Cảm xúc cứ ùa về, trào ra, rồi tôi viết rất nhanh. Đến giờ ngẫm lại thấy nó ngô nghê, bài này, bài kia giống chỗ này, chỗ kia một tí, tức là bị ảnh hưởng. Có bài dùng được và có bài sẽ mãi là kỷ niệm mà thôi. Sau vài năm lý trí phải hoạt động để tiết chế cảm xúc. Khi một giai điệu đến, lập tức lý trí xuất hiện để kiểm tra giai điệu có giống ở đâu đó không. Nếu giống lập tức “stop” ngay, không cho nó đi nữa. Sau khi kiểm tra thấy có cái gì mới xuất hiện thì để cho dòng chảy đi tiếp.

- Cảm xúc sáng tác trong chị có thường xuyên bị đứt đoạn không?

- Có chứ, thậm chí đứt đoạn đến vài năm. Ca khúc “Phố khuya” chẳng hạn, trước đó tôi đã có sẵn một giai điệu mở đầu hoàn chỉnh, nhưng không làm sao mà đi tiếp được đến đoạn điệp khúc, nó bị đứt đúng chỗ đấy. Thì cứ đành để đấy, đến khi nhạc sỹ Dương Thụ muốn thực hiện một CD về Hà Nội, rồi chú Thụ gọi điện đặt hàng, lúc đấy như có một động lực thôi thúc, lập tức ngồi vào đàn, tự nhiên đến lạ kỳ trong một buổi tối cảm xúc lại nối được lên đoạn điệp khúc.

- Đến giờ có nhiều ca khúc dang dở rơi vào lãng quên trong chị?

- Rất nhiều! Không phải bài hát nào cứ viết ra là được ngay. Với riêng bản thân tôi cảm thấy bây giờ viết có thể ít đi nhưng phải kiểm tra một cách kỹ càng nhất có thể. Viết xong một ca khúc, trước khi công bố tôi thường đưa cho đồng nghiệp, những người bạn, họ còn trẻ, nghe nhạc nhiều kiểm tra giúp xem có giống ở đâu đó không. Bởi tôi vô cùng sợ mang tiếng là đạo. Có thể nhiều lúc không cố ý, mình nghe nhạc nhiều, mình thích một ca khúc nào đấy, nghe đi nghe lại một ngày mấy chục lần thì hoàn toàn xảy ra trường hợp khi sáng tác mình bị ảnh hưởng.

- Khi hoàn thành một ca khúc, trong chị thường có cảm giác gì?

- Đầu tiên là cảm giác sung sướng bởi trước đó như có một cái gì đó tồn tại đến bứt rứt trong lòng không thể định nghĩa thành tên. Khi xong cũng là lúc mình giãi bày xong một câu chuyện nội tâm. Câu chuyện có thể buồn, vui, hạnh phúc… tùy thuộc vào từng giai đoạn sáng tác của tôi. Nếu ai nghe nhiều ca khúc của tôi sẽ thấy niềm vui ít, các ca khúc về tình yêu cũng man mác buồn. Cũng chẳng biết nguyên do từ đâu, nhưng ngẫm lại chắc là do cái tạng người của tôi nó thế nên ảnh hưởng sang âm nhạc, nó lặng lặng, tình tứ, len lỏi... Chắc chắn nó sẽ day dứt nếu ai cũng có những cảm xúc giống mình, hoặc cũng có những khoảng thời gian họ bị rơi vào trạng thái như thế nên đồng cảm, sẻ chia.

- Đích đến trong sáng tác của chị là gì?

- Tôi nghĩ công việc sáng tác của tôi là do trời cho. Và may mắn khi mình cũng có đam mê đó để hóa thành cái nghiệp. Đích đến là một nhạc sỹ sáng tác chuyên nghiệp chứ không dừng lại ở mức Amateur. Vậy chuyên nghiệp là gì? Tạm thời ở một số ca khúc tôi xét thấy cũng đạt được một chút thành công, được mọi người biết đến và đón nhận. Nhưng tôi không muốn chỉ dừng lại ở việc sáng tác ca khúc mà hướng đến những thể loại lớn hơn như giao hưởng, khí nhạc. Tôi cũng đang ôm mộng đấy!  

- Chị đi tới quãng nào trên chặng đường ôm mộng đấy rồi?

- Phải thẳng thắn thừa nhận rằng con đường ấy khó khăn đấy. Năm ngoái tôi vừa tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi cũng khá tự hào là mình đã viết được một giao hưởng 3 chương, khá dài. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã bắt đầu chạm đến được một thể loại rất khó. Giờ vẫn đang trên con đường gỡ dần cái mảng khó để có kinh nghiệm cho riêng mình. Có lẽ sau khi ra trường cũng phải 10, 20 năm mới chắc tay được. Đây là thời gian để tôi luyện, cứ tiếp tục ôm mộng vậy.

- Thế ngày xưa chị có ôm mộng làm ca sỹ không đấy khi đã có quãng thời gian tham gia nhóm Năm Dòng Kẻ?

- Lúc nào tôi cũng nghĩ nghề nghiệp của mình là sáng tác, vì vậy khi đứng trên sân khấu lập tức tôi cảm thấy chỗ này không phải của mình. (Cười) Tôi rất rõ ràng, khi cảm thấy không phải mình là buông ngay. Thời đầu tiên thành lập nhóm, lúc còn trẻ, sinh viên mà, hăng máu lắm, rồi nhóm vào Sài Gòn, rồi thành công, rồi áp lực về công việc, thời gian, trong khi tôi vẫn còn công việc ở ngoài này cũng là lúc tôi xác định đây không phải là cuộc chơi nữa rồi, cần xác định rõ con đường nào cần phải đi. Thật sự lúc đó trong tôi xuất hiện suy nghĩ lạc lõng. Tốt nhất, tự nhiên nhất là trở về với chính mình. Tôi không thể sống khác với bản thân mình được!

- Chị thấy thích hợp với cuộc sống nơi đâu hơn giữa Hà Nội và Sài Gòn?

- Tôi rất thích Sài Gòn, nhưng cũng quá yêu Hà Nội. Gia đình, bố mẹ, người thân, bạn bè tôi đều ở Hà Nội. Bị ảnh hưởng từ bố mẹ, cộng thêm cái tính cách rất truyền thống nên tôi luôn hướng về gia đình. Ở Hà Nội tôi thấy bình yên, đầu óc thoải mái, đổi gió vào Sài Gòn thấy cuộc sống khá thú vị, nhưng thỉnh thoảng thôi.

- Có chồng là người nước ngoài, sao chị lại không giống như bao người lấy chồng Tây rồi sang nước ngoài sinh sống, làm nghề?

- Chồng tôi là người Mỹ. Nhưng sâu thẳm tôi luôn biết rằng anh luôn nghĩ cho tôi. Anh nói rằng nếu em mà ra nước ngoài thì làm gì? Khi ấy em phải thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình. Em chỉ có ở Việt Nam là tốt nhất, mới được làm nghề theo đúng nghĩa, được mọi người biết đến. Tôi rất cảm động vì điều đó!

- Trong giới âm nhạc, người ta bảo Giáng Son là một chân dung khó lẫn?

- Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy thôi, rằng ai cũng mong có một cá tính, giọng điệu riêng, để mình không lẫn với hàng trăm, hàng triệu người khác trong nghề nghiệp của mình. Trong nghề sáng tác, tôi cũng có tham vọng khi khán giả nghe một câu nhạc vang lên là  người ta biết ngay là nhạc của Giáng Son đây.

- Thế còn cách sống của chị thì sao?

- (Cười) Trong cuộc sống của tôi đơn giản là tham vọng một sự bình yên, hạnh phúc và sức khỏe. Tôi không thích bo bo, đồng tiền mình kiếm ra đàng hoàng thì phải biết hưởng thụ cuộc sống, đơn giản là biết tiêu tiền.

- Quan niệm sống đó của chị bắt nguồn từ đâu?

- Có lẽ từ ngày lấy chồng. Ngày xưa tôi cũng có suy nghĩ theo cái nếp xưa của người Việt, đến thời bố mẹ tôi cũng thế, lúc nào cũng phải tiết kiệm, phải có một khoản để dự phòng nhỡ đâu có việc gì lớn. Chồng tôi bảo tiết kiệm để lo cho tương lai là rất tốt nhưng cũng phải biết hưởng thụ cuộc sống ở thì hiện tại nữa chứ!. Có nhiều điều rất thú vị từ khi lập ra đình, điển hình là suy nghĩ thực tế hơn.

- Chị có thi vị hóa hạnh phúc?

- Tôi rất sợ phức tạp hóa hạnh phúc. Với tôi nó là những gì rất nhỏ, bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi sáng thức dậy được nhìn thấy nhau, cười nói. Ngày xưa tôi chẳng biết uống chứ đừng nói đến việc pha café, nhưng khi lấy chồng, anh có nói với tôi rằng chỉ mơ rằng sẽ được vợ pha cho ly café mỗi sáng. Anh nói vậy chẳng nhẽ mình lại không học pha café. Hay hạnh phúc với tôi là sự quan tâm, chăm sóc nhau mỗi ngày. Mỗi lần đi công tác về anh thường mua cho tôi những món quà nhỏ, đi chợ thì anh mua cho tôi thỏi chocolate… Những điều giản dị, dễ thực hiện trong cuộc sống chứng tỏ rằng họ quan tâm, nghĩ về mình trong từng khoảnh khắc. Hạnh phúc trong tôi đơn giản vậy thôi!

- Hạnh phúc với nghệ sỹ thường mong manh, chị có lo sợ về điều đó?

- Lo sợ, thậm chí lo sợ hàng ngày. Không ai nói trước, nói chắc, nói hay được điều gì, rất yêu nhau, hạnh phúc đấy nhưng không biết điều gì sẽ đến với mình ở phía sau, từ cả hai phía. Đương nhiên trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những bất đồng, nhưng bản thân mình cũng lớn tuổi rồi chứ đâu còn trẻ nữa, nên phải có hướng giải quyết một cách chững chạc. Chứ không phải cứ có chuyện gì xảy ra là ngay lập tức lên cơn, bỏ đi hay nói bỏ nhau. Người nghệ sỹ lại nhạy cảm, đôi lúc nhạy cảm quá mức, khi người ta chưa buồn, chưa vui mình cũng đã buồn - vui trước rồi.

- Đến giờ chị thấy bản thân mình đã là người nổi tiếng chưa?

- Tôi chỉ nghĩ bản thân mình là người có được biết đến. Như vậy đã tạm gọi là nổi tiếng được chưa nhỉ (?!) (Cười) Bây giờ đề cập tới sự nổi tiếng phụ thuộc vào nhiều cách, thể loại nổi tiếng, rồi nổi tiếng ít hay nhiều, nổi tiếng vì tài năng hay scandal …    

- Sau một chặng đường sáng tác, chị có hài lòng với những sáng tác của mình?

- Đương nhiên con của mình thì đứa nào mình cũng yêu, cũng thích cả. Có một số bài tôi cảm thấy như trời cho mình khoảnh khắc đấy để có thể bật lên được. Và tôi chắc chắn rằng mỗi ca khúc đều có số phận riêng của nó.

- Lý tưởng trong sáng tác của chị?

- Tôi luôn hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ, đơn giản là cái đẹp, đẹp về giai điệu, lời ca, sự nhân văn khiến tôi say mê, rung động.

- Cảm ơn và chúc chị thành công hơn nữa!