Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú: "Danh hiệu phải là danh thực, có giá trị thực"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm đầu tiên thực hiện nghị định mới về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, nhiều nghệ sĩ đã rất hồ hởi vì sau bao năm cống hiến và chờ đợi, họ cũng đã qua được vòng Hội đồng cơ sở và sắp chạm tay tới danh hiệu cao quý. Tuy nhiên, cũng không ít người lại bày tỏ những hoài nghi về chất lượng của danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Nghị định 40/CP/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/CP/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực từ ngày 15/5, bên cạnh việc giảm tỉ lệ phần trăm phiếu đồng ý của hội đồng từ 90% xuống 80% trong đợt xét tặng này, còn xem xét đến trường hợp đặc biệt như ưu tiên cho nghệ sĩ lớn tuổi và những nghệ sĩ có cống hiến lớn trong sự nghiệp nghệ thuật.

Nghị định này ở năm đầu tiên thực hiện đã mang tới niềm vui cho không ít nghệ sĩ cao tuổi, các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội cho nền nghệ thuật nước nhà nhưng lại không có đủ tiêu chí Huy chương Vàng hội diễn theo quy định. Đó là trường hợp của nghệ sĩ Kim Xuyến, nghệ sĩ Lê Mai đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nay hồ sơ mới qua được vòng Hội đồng cơ sở để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Hay trường hợp của “Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan cũng vậy. Hồ sơ của bà đã vượt qua được Hội đồng cơ sở để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ni cô Huyền Trang-vai diễn để đời của NSƯT Thanh Loan

Ni cô Huyền Trang-vai diễn để đời của NSƯT Thanh Loan

Nhờ những tiêu chí cởi mở và nới lỏng hơn nên năm nay, lượng hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đã tăng lên so với các lần xét tặng trước đây. Hội đồng cơ sở thành phố Hà Nội thông báo nhận được 48 hồ sơ, trong đó có 16 hồ sơ đề cử NSND, 32 NSƯT. Hội đồng cơ sở thành phố Hồ Chí Minh thông báo nhận được 57 hồ sơ đủ điều kiện đề xuất lên Hội đồng cấp thành phố, trong đó 24 nghệ sĩ được đề cử NSND. Hội đồng cấp Bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận được 121 hồ sơ đề cử NSND, NSƯT của các lĩnh vực Múa, Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh do Hội đồng cơ sở trình lên, trong đó 53 hồ sơ NSND, 68 NSƯT.

Tuy nhiên, do đang ở vòng lấy ý kiến nhân dân và đệ trình Hội đồng cấp Bộ nên chất lượng của lần xét tặng này chưa thể đánh giá được cụ thể và chính xác. Dẫu vậy, với danh sách công khai được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có ý kiến cho rằng, bên cạnh những nghệ sĩ xứng đáng được tôn vinh thì lại có không ít nghệ sĩ khi nhắc tới, đại bộ phận công chúng không biết đến tên tuổi và tài năng.

Nhiều năm ngồi ở các hội đồng xét danh hiệu, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, cần đánh giá lại quy định về xét tặng danh hiệu. Có nghĩa là, mở rộng đối tượng nhưng phải đưa tiêu chí rõ hơn nữa. Từ Nghệ sĩ ưu tú nâng lên Nghệ sĩ nhân dân không thể chỉ dựa vào quy định có 2 huy chương Vàng. Bởi số huy chương này chủ yếu nhờ vào đi hội diễn-chỉ có giám khảo và một số ít khán giả. Đấy là chưa kể có người cố chạy huy chương để lấy danh hiệu.

“Danh hiệu đang bị giảm giá trị, nghệ sĩ bớt uy tín trong mắt khán giả. Đây là đợt xét tặng thứ 10 rồi, nếu không khéo số lượng tăng mà chất lượng giảm, giá trị bị đảo lộn. Danh hiệu phải là danh thực, có giá trị thực”, NSND Lê Tiến Thọ nói.

"Hãy làm những gì tốt nhất có thể, để tên tuổi của mình sống trong lòng công chúng là điều quan trọng nhất", nghệ sĩ saxophone Quyền Minh nói
"Hãy làm những gì tốt nhất có thể, để tên tuổi của mình sống trong lòng công chúng là điều quan trọng nhất", nghệ sĩ saxophone Quyền Minh nói

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, thời gian qua một số nghệ sĩ có đóng góp nhưng chưa được xét do vướng những rào cản nhất định về tiêu chí, điều kiện. Nghị định 40 ra đời trong nỗ lực khắc phục một số bất cập trên, và cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghệ thuật có ít cuộc thi, hội diễn, một số nghệ sĩ thực sự tài năng và cống hiến có thể nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, không phải vì lí do nới tiêu chí làm tăng số lượng NSND, NSƯT và giảm chất lượng các danh hiệu này mà vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào để các danh hiệu này thực chất, thực sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng.

Với cá nhân Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh, ông đã tìm ra cho mình một con đường riêng sau vài lần làm hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ nhân dân thất bại. “Đó là hãy làm những gì tốt nhất có thể, để tên tuổi của mình sống trong lòng công chúng là điều quan trọng nhất. Khi mà có quá nhiều người không xứng đáng lại được tấn phong thì danh hiệu ko có giá trị nữa”, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh nói.

Phó Chủ tịch Hội Múa Việt Nam Tuyết Minh chia sẻ, chị ủng hộ trường hợp các nghệ sỹ tên tuổi có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng được xét đặc cách phong danh hiệu NSND (kể cả khi nghệ sĩ ấy đã qua đời). Danh hiệu có nghĩa là sự ghi nhận và động viên giới văn nghệ sĩ trong một giai đoạn để tiếp tục cống hiến. Còn nghệ thuật là một con đường dài mà mỗi nghệ sĩ cần tiếp tục “rút ruột nhả tơ” cho đời sống văn học nghệ thuật, cho đất nước.