Nghe con gái xúi dại, bà lão vừa mất nhà đất vừa lĩnh án 10 năm tù giam

ANTĐ - Không hiểu biết pháp luật và cũng chẳng rành rẽ về thủ tục vay mượn tiền, thế nên khi nghe con gái kể lể khó khăn, bà Kỹ không ngần ngại ký toẹt vào các giao dịch tưởng chừng vô hại. Thế nhưng khi vụ việc vỡ lở, bà lão này lập tức vướng vòng lao lý.

Tin “bợm” mất… nhà

Sau nhiều lần trì hoãn và trả hồ sơ điều tra bổ sung, chiều 2-12-2015, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Đoàn Thị Yến (SN 1978, trú tại phố Khương Thượng, phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Oái oăm hơn, đồng phạm với Yến không phải người xa lạ mà chính là người mẹ đẻ của đối tượng tên Hoàng Thị Kỹ (SN 1949), ở phố Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Con đường khiến lão bị cáo Hoàng Thị Kỹ đến chốn pháp đình vốn bắt nguồn từ việc rất bình thường và giản đơn. Bởi bị cáo Kỹ vốn là chủ nhân của ngôi nhà 257 phố Trường Chinh. Cần tiền làm ăn, đầu tháng 9-2008, Đoàn Thị Yến bảo mẹ đẻ cho mượn “sổ đỏ” gắn với ngôi nhà 257 để thế chấp vay tiền ngân hàng.

Quá tin vào con gái cưng, bà Kỹ vừa mất nhà lại vừa phải lĩnh án tù nghiêm khắc

Tuy nhiên, Yến đã không tự mình giao dịch mà nhờ bà Trần Thị Gái (SN 1962, khi đó là cán bộ Ngân hàng TMCP Phương Nam) thực hiện việc vay mượn tiền giúp. Thuyết phục được mẹ đẻ, ngày 8-9-2008, Yến đưa bà Kỹ đến một phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền cho bà Gái được toàn quyền quyết định ngôi nhà ở phố Trường Chinh.

Cầm giấy tờ nhà đất và giấy ủy quyền trong tay, ngay ngày hôm sau, bà Gái làm hợp đồng bán ngôi nhà của bà Kỹ cho anh Phạm Hữu Thông (ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy) với giá 2 tỷ đồng. Nhưng về thực tế, đó là số tiền anh Thông cho bà Gái vay mượn và nếu nữ cán bộ Ngân hàng Phương Nam “xù nợ” thì chủ nợ sẽ điềm nhiên đến cơ quan chức năng sang tên đổi chủ ngồi nhà ở phố Trường Chinh.

Và rồi giao dịch dân sự tay ba này sau đó đã diễn ra theo đúng dự liệu của bên vay tiền cùng chủ nợ và chỉ có mẹ con bà Kỹ là “hối không kịp”. Cụ thể, sau khi vay 2 tỷ đồng của anh Thông, bà Gái đã giao lại cho Yến 300 triệu đồng và 85.000 USD.

Sau đó, nhiều lần gọi điện đòi tiền nữ cán bộ ngân hàng không được, ngày 24-10-2008, anh Thông đến Văn phòng Đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất quận Thanh Xuân làm thủ tục chuyển dịch nhà đất từ bị cáo Kỹ sang tên mình. Xem xét hồ sơ, ngày 12-11-2008, UBND quận Thanh Xuân đã xác lập anh Thông chính thức trở thành chủ nhân mới của ngôi nhà 257 phố Trường Chinh.

Và vào tù cùng con gái cưng

Quá trình mở tòa và xét xử vụ án cho thấy, nếu sự việc chỉ dừng lại ở những nội dung trên thì chắc chắn người đàn bà 66 tuổi không sa vòng lao lý, có chăng thì cũng chỉ mất trắng ngôi nhà vì con gái. Thế nhưng “chết” là ở chỗ ngay sau khi ký ủy quyền cho bà Gái được phép bán nhà, một lần nữa bà Kỹ lại nghe con gái làm điều xằng bậy.

Theo đó, Yến sợ bà Gái sẽ bán đứt ngôi nhà 257 phố Trường Chinh nên xúi mẹ hoang báo bị mất “sổ đỏ” và đề nghị cơ quan chức năng cấp lại giấy tờ nhà đất mới. Hoàn tất thủ tục, ngày 12-3-2009, UBND quận Thanh Xuân đã cấp thêm cho bà Kỹ một “sổ đỏ” nữa gắn với ngôi nhà ở phố Trường Chinh.

Tiếp đến, Yến đưa mẹ đến Phòng Công chứng số 4 Hà Nội làm hợp đồng với nội dung bà Kỹ tặng cho con gái ngôi nhà gắn liền với đất, tại số 257 phố Trường Chinh. Thế rồi, Yến cũng nhanh chóng hoàn thành việc “sang tên đổi chủ” ngôi nhà từ tên mẹ đẻ sang tên đối tượng.

Lún sâu vào sự dối trá, Yến mang “sổ đỏ” mới đến thế chấp để vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Cầu Diễn 2 tỷ đồng nữa. Đến hạn thanh toán, đối tượng không có tiền trả nên tức tốc rao bán ngôi nhà được mẹ đẻ cho tặng bất hợp pháp.

Thông qua người giới thiệu, Yến được anh Đặng Thanh Hải (trú ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) đứng ra trả nợ thay đối với Ngân hàng Vietinbank. Đổi lại, ngày 28-4-2010, Yến đã phải lập hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà 257 phố Trường Chinh cho anh Hải.

Vụ án còn phức tạp hơn bởi ngày 10-6-2010, một lần nữa UBND quận Thanh Xuân lại chấp thuận và hoàn tất việc sang tên nhà đất ở số 257 phố Trường Chinh từ Yến sang anh Hải. Chưa hết, một ngày đầu tháng 8-2010, vợ chồng anh Hải tiếp tục mang “sổ đỏ” thứ phát đến thế chấp để vay của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 3,2 tỷ đồng.
Bị thẩm vấn trước tòa, Yến thừa nhận các hành vi như nội dung truy tố. Vậy nhưng bị cáo cho rằng tất cả các giao dịch trong vụ án chỉ nhằm một mục đích duy nhất là vay mượn tiền bạc, hoàn toàn không có chuyện mua bán nhà đất thật. Yến cũng nại ra rằng không có ý định chiếm đoạt tiền của các bị hại từ trước mà thực tế là do làm ăn thua lỗ nên không có tiền hoàn trả mọi người.

Với vai trò đồng phạm giúp sức, bị cáo Kỹ thì trình bày bản thân không hiểu biết pháp luật, do đó khi nghe Yến kể lể khó khăn cần mẹ giúp đỡ nên đã làm theo chỉ dẫn của con gái.

Mặc dù các bị cáo nại ra như vậy, song HĐXX sơ thẩm vẫn khẳng định hành vi của Yến và mẹ đẻ đã phạm vào tội danh như VKS truy tố. Từ đó, TAND TP Hà Nội đã lần lượt quyết định tuyên phạt Đoàn Thị Yến 14 năm tù và Hoàng Thị Kỹ 10 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.