Ngập ngừng đối tác chiến lược Mỹ - Ấn

ANTD.VN - Cho dù chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, song hiện thực hóa mối quan hệ này không phải điều dễ dàng.

Chính quyền tân Tổng thống Donald Trump cam kết phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ, trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 15-2 đã có cuộc điện đàm để thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược nhiều mặt giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Ấn Độ và Mỹ dưới thời chính quyền tân Tổng thống Donald Trump, hai ông Swaraj và Tillerson đã nhấn mạnh rằng các mối quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ và Mỹ không chỉ vì lợi ích của nhau mà còn có tầm quan trọng ở khu vực và trên toàn cầu.

Trước đó, không lâu sau khi chính thức nhậm chức, tân Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi để trao đổi về việc tăng cường quan hệ đối tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, quốc phòng, an ninh và chống khủng bố. Trong cuộc điện đàm, chủ nhân mới của Nhà Trắng đã nhấn mạnh, chính quyền của ông coi Ấn Độ là “một đối tác và người bạn thực sự”.

Tổng thống Trump sau khi lên cầm quyền đã có tuyên bố và điều chỉnh lớn đối với nhiều chính sách đối ngoại cũng như quan hệ đối tác của Washington. Tuy nhiên, việc liên tiếp có các cuộc điện đàm cấp cao với Ấn Độ bằng những lời lẽ nồng ấm và cam kết mạnh mẽ này cho thấy quan hệ Mỹ-Ấn Độ vốn đang phát triển ổn định dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ được chính quyền Tổng thống Trump tiếp nối và duy trì.

Trong suốt 8 năm cầm quyền với việc triển khai chính sách “xoay trục về châu Á” nhằm kiềm chế Trung Quốc cũng như bảo vệ những lợi ích chiến lược sống còn ở châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama đã chủ trương tăng cường quan hệ với Ấn Độ, một đối thủ lớn của Bắc Kinh tại khu vực. Chỉ tính trong vòng hơn 2 năm kể từ khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ hồi tháng 5-2014, ông Modi đã có 4 chuyến thăm tới Mỹ và 6 cuộc gặp gỡ cấp cao với Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, dù thường xuyên duy trì đối thoại ở cấp cao, song đến nay giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa thiết lập quan hệ đồng minh như Washington đã làm điều này với nhiều đối tác thân cận và quan trọng trên thế giới. Sỡ dĩ vẫn còn khoảng cách nhất định giữa Mỹ và Ấn Độ do phần quan trọng là Washington duy trì xu hướng “nước đôi” trong mối quan hệ với Ấn Độ và Pakistan - đối thủ lớn khó chịu bậc nhất của New Delhi tại Nam Á.

Biết rõ mối quan hệ đồng minh không kém phần thân thiết giữa Washington và Islamabad, Ấn Độ dù muốn tăng cường hợp tác với cường quốc mạnh bậc nhất thế giới, nhưng cũng phải đảm bảo những lợi ích chiến lược cốt lõi của mình nên cũng luôn thúc đẩy mạnh mẽ đối tác thân thiết với Nga, từ kinh tế cho tới an ninh và quốc phòng. 

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với Ấn Độ sẽ phát triển ra sao dưới thời chính quyền Tổng thống Trump còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng, từ chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cho tới các mối quan hệ Mỹ-Pakistan, Ấn Độ-Nga… Tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh thân cận giữa Washington và Islamabad, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn khó có thể phát triển mạnh mẽ và thực chất.