Ngành chăn nuôi... "ngắc ngoải"

ANTĐ - Gà Mỹ giá rẻ nhập về đang “bóp chết” gà nuôi trong nước nhưng lại làm căng túi tiền các nhà bán lẻ. Tại hệ thống các siêu thị, một gói đùi gà “góc tư” và đùi gà nguyên chiếc giảm chỉ khoảng 2.000 -3.000 đồng/kg, trong khi giá cùng chủng loại gà Mỹ nhập về giảm tới 50%. Bị chèn ép, dồn vào thế chân tường, con gà chỉ là một ví dụ điển hình trong cuộc chiến không cân sức của ngành chăn nuôi nước ta, vốn yếu thế, lép vế trước làn sóng ồ ạt của các đối thủ nước ngoài.

Không thể nhắm mắt làm ngơ cho gà Mỹ hoành hành ngay trên sân nhà, các hiệp hội chăn nuôi Bình Phước, Đồng Nai, Đông Nam bộ đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gà Mỹ để có biện pháp lấy lại sự công bằng cho người chăn nuôi. Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi một tỉnh tuyên bố: “Có sạt nghiệp, tốn bao nhiêu tiền cũng phải kiện. Tài sản của người chăn nuôi đã cầm cố cho ngân hàng hết, thua lỗ kéo dài là trắng tay”. Tiếng kêu cứu của ngành chăn nuôi gà đã “đánh thức” cả “làng” chăn nuôi Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cảnh báo: Trong 10 năm gần đây, việc phát triển đàn trâu bò, thủy cầm của Việt Nam đang bị lãng quên. Vào năm 2007, đàn bò nước ta có khoảng 6,7 triệu con, nay chỉ còn 5,2 triệu con. Nguyên nhân giảm là do diện tích đồng cỏ giảm dần. Còn theo Viện trưởng Viện chăn nuôi, tổng lượng thịt lợn, gà, trâu, bò trong 5 năm qua tăng trung bình 3,7%/năm.

 Tuy nhiên, giá thành của thịt sản xuất trong nước lại cao hơn các nước khác. Cụ thể, thịt lợn trong nước giá 2,08 USD/kg, còn ở Mỹ là 1,41 USD/kg. Giá thịt bò trong nước là 2,53 USD/kg, còn ở Australia chỉ 1,77 USD/kg. Tuy vậy, khi Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, thuế suất nhập khẩu thịt các loại sẽ giảm dần về 0%. Rào cản cuối cùng chặn nguồn thịt nhập khẩu sẽ được phá bỏ. Khi đó, điều gì sẽ xảy ra với ngành chăn nuôi trong nước?

Ngay lúc này, đã có thể thấy rõ, không chỉ ngành chăn nuôi gà như “gà mắc tóc”, mà chăn nuôi gia súc cũng đang trong tỉnh cảnh “ngắc ngoải”. Có tới 70-80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu, thuốc thú y cũng tương tự. Người chăn nuôi phải đầu tư trang trại tốn hàng tỷ đồng, dịch bệnh luôn rình rập, trong khi thịt nhập khẩu tràn ngập thị trường. Cứu ngành chăn nuôi tức là cứu hàng vạn trang trại cùng hàng trăm nghìn hộ chăn nuôi đang vật lộn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt “lấy thịt đè người” của các nhà chăn nuôi đến từ Mỹ, Australia, Canada, Pháp...