Ngang tầm chiến lược

(ANTĐ) - Một loạt những hoạt động hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Nhật Bản đang đưa quan hệ Việt - Nhật lên “tầm đối tác chiến lược” như hai nước đã  cam kết.

Ngang tầm chiến lược

(ANTĐ) - Một loạt những hoạt động hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Nhật Bản đang đưa quan hệ Việt - Nhật lên “tầm đối tác chiến lược” như hai nước đã  cam kết.

Con đường đi của quan hệ Việt - Nhật chưa dài. Sang năm, hai nước mới kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng hiệu quả của mối quan hệ đó thì rất đáng trân trọng. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã sớm có mặt tại Việt Nam khi chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới. Những nguồn viện trợ phát triển của Nhật Bản đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam thoát khỏi cơn khó khăn về kinh tế để dần đạt tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay.

Chúng ta không quên sự giúp đỡ hiệu quả của người dân Nhật Bản trong các dự án phát triển ở Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam với số tiền khoảng 11,5 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Có thể nói dấu ấn trợ giúp của Nhật Bản hiện diện trong các cơ sở hạ tầng trên khắc các vùng miền của Việt Nam.

Không dừng ở viện trợ phát triển, quan hệ Việt - Nhật đã nhanh chóng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như kinh tế - thương mại và đầu tư. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt - Nhật năm 2006 đạt 10 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản có 855 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đăng ký 8,4 tỷ USD. Kể từ năm 2005, với đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, đang xuất hiện làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam và xu hướng này ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang trò chuyện thân mật với nhà vua Nhật Bản
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang trò chuyện thân mật với nhà vua Nhật Bản

Điều đáng mừng là lãnh đạo hai nước luôn quan tâm củng cố quan hệ chính trị, coi đó như nền tảng quan trọng để mở rộng quan hệ. Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.

Tháng 7-2004, hai bên ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10-2006) đã đưa quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới về chất, hướng tới quan hệ “đối tác chiến lược”.

Đây không đơn thuần chỉ là những cam kết chính trị mà là những dự định lớn và rất cụ thể. Đó là những dự án lớn có tầm chiến lược với Việt Nam như tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đó là mục tiêu nâng trao đổi thương mại Việt - Nhật lên 15 tỷ USD vào năm 2010, đưa Nhật Bản thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Tiềm năng của quan hệ Việt - Nhật rất lớn. Nếu như Nhật Bản có vốn, có công nghệ và kinh nghiệm, thì Việt Nam có nhân lực, tài nguyên phong phú và thị trường hấp dẫn. Những yếu tố mang tính bổ sung cho nhau nếu biết khai thác sẽ đem đến lợi ích to lớn cho hai nước. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là cơ hội thuận lợi để hai bên khẳng định cam kết chính trị, từ đó mà tìm biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ những dự án lớn như trên.

Thành công của chuyến thăm chắc chắn sẽ đưa quan hệ Việt - Nhật lên ngang tầm chiến lược như lãnh đạo hai nước đã cam kết.

Hoàng Sơn