Ngân hàng Nhà nước: Bỏ cơ chế room tín dụng, có thể dẫn đến vòng xoáy tăng lãi suất, tăng nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số liệu thống kê cho thấy nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại vượt rất xa khả năng cân đối vốn. Do đó, nếu bỏ cơ chế cấp room tín dụng sẽ dẫn đến vòng xoáy tăng lãi suất để huy động vốn dẫn đến lãi suất cho vay, nợ xấu tăng.

Đây là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022.

Tín dụng tăng gấp đôi cùng kỳ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn được lưu chuyển tích cực, vòng quay đồng tiền nhanh hơn, tín dụng tăng trưởng tích cực. Tính đến giữa tháng 6/2022, tín dụng tăng khoảng 8,16%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Điều này cũng cho thấy, tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực.

“Tôi tin rằng, thời gian tới, tín dụng tăng trưởng tốt cùng với tác động của gói kích thích kinh tế sẽ tạo sự cộng hưởng, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục”, Phó thống đốc nói.

Về chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, áp lực lớn nhất là lạm phát.

Dẫn số liệu lạm phát của của Mỹ trên 8%, Anh trên 9%, Thái Lan 7,1%, Thổ Nhĩ kỳ 73,5%, Hàn quốc 5,4%... lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tình hình tài chính tiền tệ của các quốc gia đang có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, hiện nay, Việt Nam vẫn đang điều hành hết sức ổn định. Lạm phát đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ 2,25%, trong đó chủ yếu là do yếu tố giá cả (giá xăng dầu).

Đại diện NHNN tại buổi họp báo

Đại diện NHNN tại buổi họp báo

Do đó, NHNN sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do Covid-19, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế. Riêng các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Điều hành tín dụng phải đi bằng 2 chân

Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao NHNN vẫn giữ cơ chế cấp room tín dụng cho các ngân hàng thay vì công cụ quản lý tăng trưởng tín dụng bằng tỷ lệ an toàn vốn, đại diện NHNN cho rằng việc cấp room tín dụng là cần thiết nhất là trong bối cảnh phải giữ ổn định lãi suất.

Cụ thể, ông Phạm Chí Quang, Vụ Phó phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong bối cảnh áp lực lạm phát rất cao, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ 2021. Trong năm 2021 đã có 113 lượt tăng lãi suất. Năm 2022, đến 13/6, đã có tới 144 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu.

“Trong bối cảnh đó, NHNN liên tiếp 3 lần hạ lãi suất điều hành. Trong năm 2020, chúng ta hạ lãi suất lớn nhất trong khu vực ASEAN. Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định đã là cố gắng rất lớn của chúng ta. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng là một công cụ, bên cạnh công cụ quản lý bằng tỷ lệ an toàn vốn” – ông Phạm Chí Quang nói.

Theo ông Quang, từ 2011 đến nay, NHNN xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Trong 11 năm qua, NHNN cũng thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh room tín dụng, song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác như yêu cầu các tổ chức tín dụng cập nhật hệ số an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế, từ Basel I, Basel II và tiến tới là Basel III.

“Tuy nhiên, cho dù đưa các chuẩn mực quản trị rủi ro như thế vào hoạt động quản trị các NHTM, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế chúng ta rất cao. Lịch sử cho thấy tăng trưởng tín dụng bình quân trước khi cấp hạn mức là trên 30%, có năm tăng trưởng tới 53,8%. Mức độ tăng trưởng lớn như vậy vượt rất xa khả năng quản trị và khả năng cân đối vốn của các NHTM, điều đó dẫn đến mất khả năng thanh toán” – ông Phạm Chí Quang cho biết.

Đại diện NHNN cũng cho biết, số liệu thống kê 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại vượt rất xa khả năng cân đối vốn, xấp xỉ 20%.

“Với tốc độ tăng trưởng thế thì áp lực là rất lớn và khả năng các TCTD phải tăng lãi suất huy động để tìm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, dẫn đến vòng xoáy lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng” – ông Quang nói.

Do đó, NHNN cho rằng ngành ngân hàng buộc phải “đi song song 2 chân”. Thứ nhất là quản trị rủi ro của các NHTM theo chuẩn quốc tế; thứ hai là kiểm soát tăng trưởng tín dụng.